Cân đối vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo

Sáng 23/4, đoàn công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Sáng 23/4, đoàn công tác thành viên Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tháo gỡ vốn

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển, để thực hiện kích cầu đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, thành phố tổ chức thực hiện tốt các giải pháp để đảm bảo thu ngân sách khoảng 63.025 tỷ đồng.

Như vậy, dự toán ngân sách địa phương dự kiến bị mất cân đối 1.140 tỷ đồng. Để bù đắp sự thiếu hụt này, thành phố dự kiến sử dụng 1.200 tỷ tiền thưởng vượt thu năm 2008 cho ngân sách thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng tiếp phương án và tổ chức phát hành trái phiếu Thủ đô vào quý II năm nay là 1.000 tỷ đồng; làm việc với Bộ tài chính để tạm ứng vốn kho bạc nhà nước để thực hiện gói kích cầu đầu tư theo kế hoạch của thành phố.

Tại buổi làm việc này, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ có quyết định bổ sung vốn năm nay cho các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là gần 1.970 tỷ đồng; nhà ở xã hội 2.000 tỷ đồng; 200 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi đồng bằng sông Hồng trên địa bàn Hà Nội; bổ sung 500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án y tế, giáo dục, thủy lợi, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đối với việc triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với địa phương theo Quyết định về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh và Quyết định về việc bổ sung đối tượng được hỗ trợ lãi suất cho vay của Chính phủ, thành phố cũng đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét tạo điều kiện mở rộng ngành nghề vay vốn được hỗ trợ lãi suất, cho phép kéo dài thời gian đươc hỗ trợ lãi suất, loại cho vay được hỗ trợ lãi suất áp dụng cả đối với cho vay trung và dài hạn bằng VND.

Thành phố cũng đề nghị Chính phủ mở rộng phạm vi áp dụng của Quyết định của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do suy giảm kinh tế đang gặp khó khăn, còn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ trợ cấp thôi việc đối với người lao động từ năm 2008. Bên cạnh đó, thành phố đã tích triển khai các quy định về miễn, giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế cá nhân và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm và giãn hơn 3.380 tỷ đồng, bằng 13,4% so với dự toán thu thuế; số thuế thu nhập cá nhân được giãn là 850 tỷ đồng, bằng 31,5% so với dự toán thu; số thuế giá trị gia tăng được giảm 50% hơn 3.070 tỷ đồng, bằng 19,6% so với dự toán thu của năm nay. Chỉ tính riêng quí I năm nay, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 1.250 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 3 năm nay, khối doanh nghiệp đã được hỗ trợ lãi suất với tổng số gần 27.070 tỷ đồng, chiếm hơn 95% tổng dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất; 13 tỷ đồng cho khối hợp tác xã; gần 1.320 tỷ đồng cho hộ gia đình và cá nhân, chiếm hơn 4,6%.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc hỗ trợ lãi suất tiền vay đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do chi phí lãi vay giảm đã góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Do được hỗ trợ lãi suất đối với nhu cầu vốn vay lưu động, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Giải quyết việc làm, giảm nghèo

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Lao động Hà Nội cho biết do suy giảm kinh tế đã làm hơn 23.640 người lao động trên địa bàn thành phố mất việc, thiếu việc làm, chiếm gần 13% tổng số lao động của doanh nghiệp.

Các làng nghề của thành phố cũng có từ 12.000 - 15.000 người mất việc làm. Song, theo các quy định thực hiện gói kích cầu của Chính phủ thì các đơn vị sản xuất không được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Do đó, các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm theo chủ trương kích cầu của Nhà nước.

Thậm chí, đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được vay với lãi suất 0% để thanh toán các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc, mất việc cho lao động mất việc, thôi việc theo Quyết định về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và Thông tư của liên Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và Tài chính vì những doanh nghiệp này không thuộc đối tượng được vay.

Tại thời điểm tháng 1 năm nay, toàn thành phố có gần 117.830 hộ nghèo với hơn 406.230 nhân khẩu, chiếm hơn 8,4% tổng số hộ toàn thành phố, trong đó có gần 4.010 hộ có nhà hư hỏng nặng, không có khả năng tự xây dựng và 45.000 người là dân tộc thiểu số; 12/19 quận huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 10%, trong đó một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Mỹ Đức có gần 23%, Ba Vì có gần 20%, Sóc Sơn là gần 18%, Ứng Hòa có gần 17%, Chương Mỹ là hơn 16%; 108 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 25%.

Để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ giảm nghèo, thành phố Hà Nội đã triển khai trợ cấp hàng tháng cho người giá yếu, bị bệnh hiểm nghèo gia đình không có khả năng thoát nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cao tuổi, người mù lòa có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh phong và người dân thuộc Chương trình phát tnển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010.

Đồng thời, thành phố cũng rà soát hộ nghèo có nhà ở hư hỏng nặng mà không có khả năng tự xây dựng để có kế hoạch hỗ trợ. Trong năm nay, Hà Nội sẽ thực hiện hỗ trợ cho 3.000 nhà ở hộ nghèo với kinh phí từ ngân sách thành phố là 45 tỷ đồng và 15 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo”. Đối với 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 25% trở lên, thành phố đã yêu cầu các huyện tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp giảm nghèo, theo đó đề xuất cơ chế chính sách để thành phố trợ giúp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Nghị quyết về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội là đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên “cần có cơ chế linh hoạt hơn cho các ngân hàng để đảm bảo kích cầu nhanh, khỏi lỡ cơ hội”./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục