Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Việt Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), cho biết do lưu lượng xe lớn, nhiều xe tải trọng lớn nên mặt đường, hệ thống an toàn giao thông của Quốc lộ 5 đã hư hỏng.
Vì vậy, Tổng công ty đang tiến hành các bước để triển khai 7 gói thầu sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 5.
Cụ thể, ông Phạm Việt Sơn cho hay, tính đến thời điểm này, Quốc lộ 5 chưa được đại tu tổng thể sau hơn 20 năm nâng cấp.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, việc sửa chữa 65km mặt đường Quốc lộ 5 từ Km11 đến Km76 cần khoảng 2.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị mới bố trí tài chính được 840 tỷ đồng nên sẽ ưu tiên đại tu những đoạn hư hỏng nặng, cấp bách trước.
Cụ thể là 30km từ Km46 đến Km76, đoạn qua tỉnh Hải Dương.
Về tiến độ gói thầu đầu tiên XL-1 trị giá gần 20 tỷ đồng sửa chữa Nút giao Km47+460, Km47+680-Km48+040, Quốc lộ 5), được khởi công từ giữa tháng Chín vừa qua, đại diện Ban Quản lý dự án sửa chữa và nâng cấp Quốc lộ 5 cho biết, đến nay, việc thi công sửa chữa ngoài hiện trường của gói thầu này đã hoàn thành các hạng mục chính, nhà thầu đang tiến hành các công việc hoàn thiện còn lại.
Về kế hoạch triển khai các gói thầu tiếp theo, đại diện Ban Quản lý dự án sửa chữa và nâng cấp Quốc lộ 5 thông tin, đối với gói thầu XL-02 (sửa chữa Nút giao Km23+120, Km40+230, Quốc lộ 5) dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu vào giữa tháng 12/2020 và bắt đầu triển khai thi công từ tháng 1/2021.
Gói thầu XL-03 (thay thế dải phân cách giữa Km92+700-Km104+600, Quốc lộ 5): dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong tháng 12/2020 và sẽ tổ chức thi công từ tháng 1/2021.
Các gói thầu còn lại, sẽ được các cơ quan chức năng hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong quý 1/2021 và sẽ tổ chức thi công ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu.
[Bộ GTVT kiến nghị tăng thêm 10% vốn bảo trì đường bộ mỗi năm]
Ông Phạm Việt Sơn, Phó Tổng giám đốc Vidifi cho hay, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện dự án, Vidifi đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa trong công tác thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, đẩy nhanh việc cấp phép thi công trên tuyến.
“Với tính chất đặc thù của dự án là việc thi công sửa chữa được thực hiện trong điều kiện tuyến đường đang khai thác với lưu lượng xe rất lớn, đặc biệt là xe tải và container, Vidifi rất cần sự quan tâm phối hợp chỉ đạo kịp thời, đồng bộ của các cơ quan, ban ngành để tuân thủ các quy định đối với công trình vừa thi công vừa khai thác khi tham gia giao thông, đảm bảo quá trình giao thông được an toàn, thông suốt,” ông Phạm Việt Sơn cho hay.
Về vấn đề thiết kế lại dải phân cách giữa trên toàn tuyến, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì và khai thác Quốc lộ 5 cho hay, theo kiến nghị của một số địa phương như Hải Phòng đề xuất làm dải phân cách giữa bằng bêtông.
Tuy nhiên, quan điểm của Vidifi là sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương để thiết kế lại dải phân cách này trên tinh thần vừa đảm bảo thông số kỹ thuật về an toàn giao thông nhưng cũng phải đảm bảo mỹ quan đô thị.
Đánh giá về vấn đề duy tu bảo dưỡng trên toàn tuyến, ông Tạ Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục I.6 (Cục Quản ý đường bộ I) cho biết, hiện có hàng trăm khu dân cư, khu, cụm công nghiệp bám theo mặt đường nên vấn đề bảo trì Quốc lộ 5 gặp nhiều khó khăn.
Vẫn có nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông diễn ra trên tuyến. Vì vậy trong thời gian tới, đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục có giải pháp cùng với cơ quan quản lý để giải tỏa những vi phạm này.
Cuối tháng Tám vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Vidifi tăng cường kiểm tra và xử lý các hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông; chỉ đạo nhà thầu có phương án tổ chức giao thông, đảm bảo xe cộ qua lại an toàn.
Quá trình sửa chữa mặt đường, Vidifi cần đối chiếu với hồ sơ thiết kế kỹ thuật để nghiên cứu phù hợp, tránh lãng phí.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Quốc lộ 5 có chiều dài trên 100km bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội, đi qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và kết thúc tại thành phố Hải Phòng.
Sau khi cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi vào khai thác kỳ vọng sẽ giảm tải một lượng lớn xe đi vào Quốc lộ 5. Tuy nhiên, trên thực tế, Quốc lộ 5 hàng ngày vẫn "cõng" một lượng lớn xe tải nặng dẫn đến sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng./.