Cần luôn coi trọng bài học ổn định kinh tế vĩ mô

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng năm 2009, khi nền kinh tế vượt qua được những bất ổn, Việt Nam đã hiểu khá rõ những tác động tới kinh tế vĩ mô của lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt ngân sách và một số rủi ro khác của hệ thống tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi này, việc nhìn nhận tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô chưa tới hoặc do sự tranh cãi quá dài nên việc ra quyết định có phần hơi chậm. Bởi vậy, bài học cho điều hành kinh tế vĩ mô năm 2010 là cần luôn coi trọng kinh tế vĩ mô và có điều chỉnh chính sách kịp thời, tránh gây dư chấn không tốt.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng bài học về ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục phải được coi trọng trong năm 2010.

Hồi đầu năm 2009, khi bàn tới các kịch bản cho kinh tế Việt Nam cả năm, ông cũng nhắc nhiều tới tầm quan trọng của giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, năm tới sẽ như thế nào?

Ông Võ Trí Thành: Theo tôi, vấn đề này cần tiếp tục là yêu cầu của kinh tế vĩ mô năm 2010. Năm 2009, khi kinh tế Việt Nam vượt qua được những bất ổn, thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, chúng ta cũng hiểu khá rõ những tác động tới kinh tế vĩ mô của lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt ngân sách và một số rủi ro khác của hệ thống tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, đáng tiếc là trong quá trình phục hồi của kinh tế trong và nước ngoài việc nhìn nhận tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô chưa tới, hoặc có sự tranh cãi quá dài nên việc ra quyết định có phần hơi chậm. Tỷ giá ngoại tệ trên thị trường chợ đen tăng vọt vào giữa tháng 11/2009, giá vàng nhảy vọt lên, giọt nước tràn ly này đã làm cho phản ứng chính sách nhanh hơn.

Cần luôn coi trọng kinh tế vĩ mô, nếu để tuột khỏi tầm tay thì rất nguy hiểm. Để điều chỉnh chính sách thuận lợi cần làm sớm nhằm tránh gây dư chấn không tốt. Đây tiếp tục là bài học cho điều hành kinh tế vĩ mô năm 2010.

Tuy nhiên, có vẻ như các giải pháp hành chính vẫn đang được sử dụng như là một biện pháp mạnh trước những bất ổn?

Ông Võ Trí Thành: Trong nhiều trường hợp, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các biện pháp hành chính sẽ phải được sử dụng. Tất nhiên, tôi cho rằng khi cần giải quyết bất kỳ vấn đề gì thì cần nghĩ đến biện pháp thị trường hơn là biện pháp hành chính.

Khi điều chỉnh, cần dùng các công cụ mang tính thị trường.

Ở Việt Nam, với đặc thù của một nền kinh tế thị trường chưa hoàn hảo, Nhà nước vẫn nắm phần lớn như hiện nay, khó tránh khỏi không dùng biện pháp hành chính. Dẫu vậy, cũng vẫn là đáng tiếc khi thời gian qua ta có thiên hướng dùng biện pháp hành chính.

Ông đánh giá thế nào về các yếu tố vĩ mô hiện nay?

Ông Võ Trí Thành: Rủi ro vĩ mô vẫn còn, song tôi nghĩ vẫn có thể kiếm soát được. Chính phủ đã có thông điệp rất rõ ràng là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Thực sự, thế giới đang ở tình thế đứng giữa việc tiếp tục kính thích kinh tế hay dần dần thắt chặt lại. Chọn cái nào giữa một bên là rủi ro bất ổn vĩ mô tăng, một bên là sự tăng trưởng còn mong manh, sự phục hồi còn yếu ớt? Câu trả lời là không đơn giản, và không chỉ đối với Việt Nam.

Ví dụ Nhật Bản vẫn cần tiếp tục kích kinh tế do đối mặt với giảm phát. Australia là nước đầu tiên thuộc khối G20 tăng lãi suất. Vậy nên quan tâm trước mắt của Việt Nam là tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình hiện nay còn khó khăn, phức tạp, nhưng hoàn toàn kiểm soát được, không như năm 2008.

Có dự báo tăng trưởng của Việt Năm năm sau lên tới 8,2%? Còn ông nhìn nhận như thế nào?

Ông Võ Trí Thành: Tôi không lạc quan như thế. Tuy nhiên, xác suất để năm 2010 tăng trưởng cao hơn năm nay là rất lớn. Song, vấn đề ở đây không chỉ là con số, mà cơ bản là sự tăng trưởng ấy phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, quan điểm của tôi là tăng trưởng GDP năm 2010 nên ở mức 6-6,5%. Đây là mức mà đứng ở góc độ chính sách mình có thể điều chỉnh tốt hơn, vừa có tốc độ tăng trưởng hợp lý, vừa ổn định được kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh dấu hiệu lạm phát đang khá phức tạp, ông nhìn nhận thế nào về xu hướng lạm phát trong năm 2010?

Ông Võ Trí Thành: Lạm phát năm 2009 không phải là vấn đề, nhưng theo nhiều dự báo thì lạm phát năm tới sẽ cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục