Cần nhiều phía chung tay để xây dựng môi trường lao động an toàn

Theo thống kê của Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hồ Chí Minh, lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất là thi công xây dựng, sau đó là sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Cần nhiều phía chung tay để xây dựng môi trường lao động an toàn ảnh 1Một công trình đang thi công có xảy ra tai nạn lao động. (Ảnh minh họa. Hồng Điệp/TTXVN)

Tai nạn lao động không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, tác động đến tâm lý của gia đình, người bị nạn mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu đơn vị cùng nhiều hệ lụy xã hội.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng môi trường làm việc an toàn thân thiện, tăng ngân sách cho công tác đảm bảo an toàn lao động.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động an toàn vệ sinh viên; tổ chức kiểm tra chéo giữa người lao động nhằm hạn chế những việc nhỏ nhất dẫn đến tai nạn lao động...

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều công trình, nhà xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp... thu hút hàng triệu công nhân lao động. Vì thế, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh lao động hướng đến tiêu chuẩn chung ngày càng quan trọng.

Những điểm sáng trong lao động an toàn

Một trong những đơn vị điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Công ty Hòa Bình, trụ sở chính ở Quận 3) đạt kỷ lục trên 75 triệu giờ lao động an toàn trong lĩnh vực xây dựng. Qua đó đã khẳng định thương hiệu, tạo sự yên tâm cho chủ đầu tư, chính quyền địa phương cùng các phương tiện lưu thông, công trình, nhà dân khu vực lân cận.

Việc tuân thủ nguyên tắc, đảm bảo yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, tiến độ thi công, an toàn, vệ sinh lao động, Công ty Hòa Bình đã nhận những đơn hàng đến từ nhà đầu tư lớn, tập đoàn khó tính như Keppel Land (Singapore), Gamuda Land (Malaysia), Vingroup, Sungroup, BRG... xây dựng các tòa cao ốc đồ sộ từ 25-40 tầng như Estella Heights, Riviera Point và Empire City.

Anh Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc đối ngoại Công ty Hòa Bình, cho biết mỗi công trình, dự án, đơn vị đều dành khoản kinh phí 1,2% tổng giá trị dự thầu và lập Ban an toàn vệ sinh viên phục vụ các hoạt động này. Từ nguồn kinh phí thu được, đơn vị đã đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động; tổ chức tập huấn, huấn luyện, cấp thẻ hoàn thành các khóa học cho người lao động, nhất là người mới vào làm việc. Đơn vị thường xuyên kiểm tra an toàn lao động trước, trong và sau giờ làm việc với phương châm tất cả mọi thứ phải cùng tốt, cùng song hành.

Chỉ huy công trình phải là người chủ động phối hợp Ban Quản lý xây dựng cùng các nhà thầu khác trong việc điều phối mặt bằng, sử dụng cẩu tháp tăng ca; thường xuyên họp rút kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung thực hiện giám sát, chỉ dẫn thi công và cảnh báo thầu phụ nhằm hạn chế tối đa sai sót khi thi công.

Anh Nguyễn Hữu Hiền cho biết, mới đây, Công ty Hòa Bình đã phát triển, ứng dụng công nghệ PMS (hệ thống đo lường, phân tích và giám sát) cho phép các cấp quản lý kết nối với công trường, tương tác trực tiếp thông qua thiết bị điện thoại thông minh, máy tính để phân tích, nhận dạng rủi ro liên quan đến công tác kỹ thuật, an toàn lao động...

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc G&G (quận Tân Bình) áp dụng thể dục giữa ca, khắc phục tình trạng công nhân ngồi lâu ể oải, mỏi mắt, kiến tạo môi trường làm việc thông thoáng, duy trì nhiệt độ thích hợp, đảm bảo đầy đủ ánh sáng. Công ty tổ chức thường xuyên các đợt tập huấn, nhất là công nhân mới vào làm việc về an toàn vệ sinh lao động; treo biển cảnh báo ở những nơi có khả năng xảy ra tai nạn lao động; áp dụng hình thức thi đua khen thưởng trong việc chấp hành đúng quy định về an toàn, vệ sinh lao động...

Ông Trần Công Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn may mặc G&G, cho biết từ việc chủ động của doanh nghiệp, công đoàn và người lao động, đơn vị đã được tổ chức Better Work (chương trình hợp tác toàn cầu giữa ILO và IFC hướng đến mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn lao động và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng toàn cầu) miễn trừ giám sát. Qua đó, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu may mặc G&G với các đồng nghiệp và đối tác.

Trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ý thức được việc đảm bảo an toàn lao động; tổ chức công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra. Đặc biệt, người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này và cùng nhau thực hiện để sau giờ làm việc, an toàn trở về với gia đình.

Thực tế một ngày làm việc ở nhà máy của Công ty Cơ khí Đại Dũng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút. Tuy nhiên, công nhân lao động phải có mặt trước 20 phút để thay quần áo, trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, khởi động bằng những bài thể dục nhanh trước khi vào khu vực công trường. Tại cổng vào, lực lượng bảo vệ, Ban an toàn lao động kiểm tra các loại thẻ ra vào theo từng khu vực, thẻ hoàn thành khóa huấn luyện về an toàn lao động; trang thiết bị bảo hộ lao động. Đặc biệt là kiểm tra, giám sát những vật dụng, dụng cụ nghề khi người lao động mang vào và nhất là quan sát kỹ gương mặt, tinh thần của người lao động có đảm bảo sức khỏe để bắt đầu cho ngày làm việc mới.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cơ khí Đại Dũng, cho biết việc công nhân, người lao động chấp hành tốt các nội quy, quy định, ban an toàn vệ sinh lao động thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát ngay từ ban đầu giúp Công ty thực hiện hàng triệu giờ lao động an toàn. Ngoài ra, tổ chức công đoàn và lãnh đạo đơn vị thường xuyên phối hợp tuyên truyền, huấn luyện, chủ động lắp đặt nhiều biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn nhỏ nhất. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín với các đối tác, từng bước xây dựng thương hiệu Cơ khí Đại Dũng an toàn, thân thiện để xúc tiến thêm nhiều hợp đồng xây lắp tại nước ngoài.

Ý thức về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ, Ban Quản lý Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) đã áp dụng nhiều mô hình đảm bảo an toàn lao động phòng chống cháy nổ tại các khu chế xuất-khu công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong khu đã trang bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ lao động, đầu tư trang thiết bị công nghệ mới, hiện đại, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hepza và các doanh nghiệp trong khu định kỳ phối hợp cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương tổ chức huấn luyện, nâng cao kiến thức an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho người lao động, lực lượng tại chỗ; tăng cường kiểm tra, giám sát tại hiện trường và ở khu vực có nguy cơ mất an toàn cao.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện trình chiếu, thông tin các quy định chung về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ khi khách tham quan để nắm bắt và tuân thủ nguyên tắc theo sự hướng dẫn của ban an toàn doanh nghiệp, phòng tránh khi xảy ra sự cố.

Về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Tuấn cho rằng quan trọng nhất là ý thức của người lao động và người sử dụng lao động. Vì thế, doanh nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về vấn đề này; tăng cường đổi mới, đa dạng hóa hình thức thông tin, cảnh báo để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về an toàn, vệ sinh lao động mọi lúc, mọi nơi…

Cần nhiều phía chung tay để xây dựng môi trường lao động an toàn ảnh 2Sản xuất linh kiện ôtô, xe máy. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần kho vận Tân Cảng, thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, khẳng định đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ là những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu.

Tại đơn vị, những buổi tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về vệ sinh an toàn lao động là quy định bắt buộc và được tổ chức định kỳ nhằm giúp cán bộ, nhân viên, người lao động ý thức chấp hành an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua các trang thiết bị chuyên dụng để phòng cháy chữa cháy như bình bọt, bình bột, dụng cụ an toàn phòng cháy chữa cháy, lắp đặt họng nước ở những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ; lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh và truyền tín hiệu về trung tâm để từ đó trung tâm chủ động giám sát các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; xây dựng ca kíp trực ban an toàn, trung tâm an ninh và lực lượng phòng chống cháy nổ chuyên trách ứng trực 24/24.

[Làm rõ vụ thi công công trình không phép để xảy ra tai nạn chết người]

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Phòng Việc làm - an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, tai nạn sẽ không xảy ra nếu người sử dụng lao động và người tham gia lao động tuân thủ các điều kiện, quy định về an toàn vệ sinh lao động hoặc thường xuyên kiểm tra, giám sát, duy tu bảo dưỡng máy móc, thiết bị bảo hộ lao động. Dù ở góc độ nào hay bất kỳ hoàn cảnh nào, việc cẩn trọng, đảm bảo an toàn luôn là giải pháp tốt nhất và cần được ưu tiên quan tâm trong quá trình lao động sản xuất.

Còn nhiều tai nạn lao động đáng tiếc

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất nước. Năm 2018, hơn 1.200 vụ đã xảy ra làm 1.300 người gặp nạn, trong đó 101 người tử vong. Từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn thành phố xảy ra 32 vụ tai nạn lao động, làm chết 32 người (tăng một vụ so với cùng kỳ năm 2018).

Trong sáu tháng đầu năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức 168 đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh lao động trên các lĩnh vực quản lý; phối hợp cùng Liên đoàn Lao động Thành phố và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động như, diễu hành, tọa đàm tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động, họp mặt người bị tai nạn lao động…

Thống kê của Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy lĩnh vực xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất là thi công xây dựng, sau đó là sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giáo dục.

Cần nhiều phía chung tay để xây dựng môi trường lao động an toàn ảnh 3Hiện trường một vụ tai nạn lao động làm 2 người tử vong. (Ảnh: TTXVN phát)

Riêng lĩnh vực thi công xây dựng, tai nạn lao động thường xảy ra ở các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ thường do nhà thầu tư nhân hoặc đơn vị xây dựng quy mô nhỏ thực hiện thi công hay khoán lại cho nhóm thợ không đủ điều kiện tổ chức thi công, không nắm rõ, không chấp hành quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Điển hình như vụ đổ giàn giáo tại tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh trong Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam khiến 25 học sinh lớp 3 và lớp 5 bị thương. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân là do hệ thống lưới làm mát che sân trường được làm xong từ tối hôm trước nhưng đơn vị thi công là Công ty Trang thiết bị trường học Thanh Trúc chỉ dựng giàn giáo vào góc sân trường mà không thu dọn sau khi thi công. Đến khi chuẩn bị làm lễ, một cơn gió lớn, cuốn tấm che nắng, kéo sáu khung giàn giáo chiều cao 10m ngã đổ xuống sân khiến các học sinh bị thương.

Hay trường hợp hy hữu khi giàn giáo, sàn bêtông tại công trình nhà ở riêng lẻ trên đường Tôn Thất Tùng, Quận 1 bất ngờ đổ sập vào gần nửa đêm khiến một công nhân trông coi công trình đang ăn hủ tiếu trước nhà tử vong, người bán hủ tiếu bị thương, được đưa đi cấp cứu.

Theo thạc sỹ Huỳnh Kim Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động Thành phố Hồ Chí Minh, khảo sát toàn diện năm 2017 cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tai nạn lao động phần lớn xuất phát từ người sử dụng lao động (chiếm gần 62%) do không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo hoặc không có thiết bị an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ; tổ chức lao động và điều kiện lao động chưa hợp lý; không trang bị hoặc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không phù hợp.

Bên cạnh đó, nguyên nhân đến từ người lao động (chiếm gần 9%) do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn an toàn lao động, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Một số vụ do áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, người lao động chưa quan tâm đến việc tự bảo vệ mình trong quá trình lao động sản xuất.

Tai nạn lao động làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động, gia đình. Tai nạn lao động không chỉ làm thay đổi đời sống kinh tế của gia đình mà còn gây thiệt hại lớn về nguồn lực kinh tế, tài chính cho đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và đất nước.

Nâng cao nhận thức về an toàn lao động

Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đã và đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, các doanh nghiệp cần học tập kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng tiêu chuẩn an toàn tại doanh nghiệp phù hợp với tình hình chung của đất nước và xu thế thời đại.

Theo thạc sỹ Huỳnh Kim Hoàng, để kéo giảm tỷ lệ tai nạn lao động cần có những giải pháp đồng bộ, phát huy mọi nguồn lực trong việc cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng văn hóa an toàn tại doanh nghiệp rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc kéo giảm tỷ lệ tai nạn lao động, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Tico (quận Tân Phú), cho biết quan trọng nhất là ý thức người lao động trong việc tuân thủ và sử dụng hiệu quả các thiết bị bảo hộ lao động. Người lao động phải xem việc trang bị đầy đủ, đúng theo yêu cầu là quyền lợi để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm trang bị đầy đủ, đúng chủng loại các thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với nhu cầu thực tế tại đơn vị.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát người lao động làm việc bằng hệ thống camera, thực hiện giám sát chéo lẫn nhau; thường xuyên phối hợp tuyên truyền phổ biến, định kỳ tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu… Tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng các quy định về an toàn vệ sinh lao động cụ thể, phù hợp cho từng công việc hay nhóm người lao động; phát huy mạng lưới an toàn vệ sinh viên, chú trọng đầu tư, huấn luyện, đào tạo, thực hiện biện pháp an toàn trước, trong và sau giờ làm việc.

Cùng quan điểm trên, theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất-Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trong công tác an toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp và người lao động vừa là đối tượng vừa là chủ thể. Người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp xác định, đánh giá, quản lý rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc nhằm phòng ngừa tai nạn lao động.

Với người lao động, cần nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm nội quy an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cá nhân mình và an toàn cho người xung quanh, cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần kiểm tra thường xuyên việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, chính sách bảo hiểm, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động…

Ở góc độ là người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để hạn chế tai nạn lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn, người tham gia lao động cần tích cực chủ động phòng ngừa và kiểm soát yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; chú trọng xây dựng văn hóa an toàn đi vào thực chất; thiết lập ý thức, tác phong công nghiệp và thói quen làm việc an toàn dù ở đâu, bất kỳ công việc nào. Các đơn vị chức năng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn phù hợp với từng công việc cụ thể; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị doanh nghiệp.

Theo ông Kiều Ngọc Vũ, an toàn, vệ sinh lao động không chỉ là khẩu hiệu, băngrôn, thực hiện trong tháng phát động, mà cần được triển khai thường xuyên, liên tục, trong từng lĩnh vực, ngành nghề bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. An toàn lao động phải xuất phát từ ý thức người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn, người tham gia lao động và mạng lưới an toàn vệ sinh viên, các đơn vị chức năng cùng tích cực tham gia để hạn chế từ những việc nhỏ nhất có thể dẫn đến tai nạn lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục