"Cần phải có những chính sách kinh tế dài hơi hơn"

Trọng tâm của ngày đầu tiên được Quốc hội bàn thảo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế 2013 là làm thế nào để nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Theo TS Trần Du lịch, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vì vậy cần những chính sách dài hơn hơn, chứ không chỉ giải quyết đến năm 2013.
Trọng tâm của ngày đầu tiên được Quốc hội bàn thảo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế 2013 là làm thế nào để nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Bên lề Quốc hội, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết về tình hình kinh tế nói chung, từ những chỉ số mà Thủ tướng đã trình bày, ông có nhận định gì về thực trạng của nền kinh tế hiện nay?

TS Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nói rất rõ, ta xét thấy về hình thức quý sau cao hơn quý trước nhưng chất lượng tăng trưởng và niềm tin thị trường là vấn đề rất lớn.

Cần nhìn nhận, chúng ta hiện đang khó khăn trong việc xử lý tình thế, xứ lý vấn đề cục bộ tăng trưởng nhưng phải tính toán lồng ghép cho được những giải pháp mang tính tái cơ cấu. Nếu không chúng ta sẽ loay hoay mãi mà không làm được. Tình hình mỗi ngày một khó khăn hơn, chồng chất dồn lại. Nền kinh tế Việt Nam có hệ quả dồn lại từ 5 năm (từ 2008 đến giờ), các chính sách thay đổi liên tục nhưng lại chậm lồng ghép với cái chung. Có thể nói chúng ta chỉ mới giải quyết được bên ngoài, còn "cơ thể" vẫn chưa đề kháng được.

Phải nhìn nhận một thực tế hiện nay đó là bất ổn kinh tế của Việt Nam ảnh hưởng từ bất ổn kinh tế thế giới. Chưa bao giờ tôi thấy dự báo tài chính của thế giới lại thay đổi hàng tuần và thật sự chúng ta cũng không có khả năng để dự báo hơn thế giới. Chính vì vậy cũng không nên trói buộc ý kiến đầu năm đưa ra như thế nào thì cuối năm phải thực hiện như thế. Thế giới họ còn phải thay đổi thì mình cũng cần phải linh động và nên tìm những biện pháp tháo gỡ.

Quan điểm của tôi hơi khác, tôi cho rằng nên nhìn lại 3 năm qua và đánh giá lại, từ đó có một chương trình cụ thể dài hơi cho 3 năm tiếp theo, kể cả mục tiêu tăng trưởng, hơn là chỉ giải quyết đến năm 2013.

- Những khó khăn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp đã được nêu ra từ kỳ họp thứ 3, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, theo ông những khó khăn ấy được giải quyết đến đâu?

TS Trần Du Lịch: Giữa năm tôi cũng đã nói rồi, thực sự Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một mức nào đó thôi, với tình hình hiện nay Nhà nước không thể làm nhiều hơn được mà chính thị trường lại điều tiết, chứ cứ đòi Nhà nước làm tất cả thì không thể được.

Đúng là hiện nay doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Cũng trong bối cảnh này nhưng tại sao khối doanh nghiệp FDI lại phát triển bình thường, kể cả xuất khẩu, ngay cả cạnh tranh thị trường nội địa thì khối doanh nghiệp này cũng vẫn tiến triển tốt, trong khi đó xuất khẩu của ta lại kém đi. Phải chăng vì họ làm ăn căn cơ hơn, bài bản hơn, họ dựa vào vốn chủ sở hữu nhiều hơn, còn ta dựa vào vốn vay ngân hàng lại là chủ yếu. Chính vì vậy, chúng ta phải chấp nhận một bộ phận doanh nghiệp thị trường tự điều tiết, chứ chúng ta cũng không thể nào làm tất cả mọi việc được.

Điều mà chúng tôi quan tâm và lo đầu tiên là vấn đề hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp. Cái phải làm cho được là giúp doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho, trở lại sản xuất, không tăng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể.

- Theo ông, bộ phận doanh nghiệp cần phải sàng lọc trong nền kinh tế đã hết chưa?

TS Trần Du Lịch: Tôi nghĩ là chưa hết. Nhưng quan điểm của tôi là đừng để những doanh nghiệp có khả năng phát triển lại bị vạ lây, cái đó chúng ta phải tính toán.

Tôi đã từng đề xuất, một số ngân hàng thương mại phải nghĩ đến kiểu “cho vay nợ để đòi nợ”. Hiện có những doanh nghiệp có triển vọng phát triển kinh doanh nhưng chỉ vì nợ xấu mà ngân hàng không cho vay tiếp thì họ sẽ chết. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng đâu có đòi được nợ! Vì vậy nên khoanh nợ, cho vay mới, vực họ dậy dần dần.

- Dự cảm của ông những khó khăn hiện nay thì đến bao giờ có thể sẽ chấm dứt?

TS Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, những khó khăn hiện nay đến thời điểm này đã thấy rõ hết rồi, giờ ứng phó tùy thuộc vào hai phía, chính sách và tâm lý. Về chính sách, chúng ta có thể chậm lại, tức là chúng ta điều chỉnh một số loại giá. Ví dụ như giá điện, hiện nay chúng ta đang điều chỉnh theo kiểu nửa thị trường và nửa không thị trường. Từ nay đến cuối năm chúng ta không nên để các chính sách tác động xấu đến thị trường.

Năm 2013, không nên đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn, phải ổn định kinh tế vĩ mô và tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Muốn lấy lại được niềm tin, theo tôi, không thể thực hiện bằng các biện pháp chung chung, mà phải bằng những biện pháp cụ thể để doanh nghiệp định hướng đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, nhằm hỗ trợ thị trường, tăng đầu tư, cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đặt mục tiêu, trong 6 tháng cuối năm, bình quân phải giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ 21.000 tỷ đồng thì phải thực hiện nghiêm túc, tắc khâu nào phải tìm cách tháo gỡ ngay. Hơn 202.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng cần phải được xử lý bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này, chứ không được “chuyển giao” cho nền kinh tế.

Những vấn đề nêu trên, theo tôi, nếu không sớm giải quyết triệt để. Những hạn chế, khiếm khuyết của nền kinh tế năm 2012 vẫn tiếp diễn và như vậy, niềm tin chưa thể sớm phục hồi.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục