"Cần phải mạnh tay để tội phạm phải chùn tay, khiếp sợ"

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các TP.HCM và các địa phương cần mạnh tay hơn nữa trong trấn áp tội phạm.

Chiều 8/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua, đại diện các tỉnh giáp ranh và lân cận thành phố.

Tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013 trên địa bàn thành phố, có 6.218 vụ phạm pháp hình sự xảy ra, tăng 290 vụ (4,98%) so với thời gian cùng kỳ năm 2012, làm chết 133 người, bị thương 758 người, thiệt hại tài sản khoảng 90 tỷ đồng.

Trong đó, có 7 loại án giảm, gồm cướp tài sản giảm hơn 24,6%, cưỡng đoạt tài sản giảm gần 14,3%, cố ý gây thương tích giảm 0,21%, bắt giữ người trái pháp luật giảm gần 16,7%, chống người thi hành công vụ giảm gần 17,3%, cướp giật tài sản giảm gần 1,2% và có 6 loại án tăng, gồm giết người tăng 18,8%, án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tăng 12,1%, các án khác tăng 19,6%.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, nổi lên đáng lo ngại là số vụ phạm pháp hình sự xảy ra tập trung tại các quận huyện ven thành phố như Bình Thạnh xảy ra 469 vụ, Tân Bình xảy ra 456 vụ, Gò Vấp xảy ra 446 vụ, Bình Tân xảy ra 393 vụ, Thủ Đức xảy ra 372 vụ, quận 9 xảy ra 365 vụ.

Thành phần đối tượng gây án chủ yếu là người không nghề nghiệp hoặc làm nghề tự do ngoài xã hội, thường là người ở các tỉnh, thành phố khác vào Thành phố Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống, trong đó có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, quyết định truy nã. Trong đó, đáng lo ngại là tội phạm gia tăng trong thanh thiếu niên.

Cũng theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, nhìn chung, tính chất hoạt động tội phạm manh động, táo bạo và liều lĩnh của các loại tội phạm hình sự đã được kiềm chế so với những tháng cuối năm 2012, nhưng vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu phức tạp, do thành phố là nơi hội tụ các dòng dịch chuyển dân cư vào đô thị; dân cư tăng nhanh về thường trú và tạm trú, tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, đối tượng hình sự ở các tỉnh, thành phố cũng tập trung về ẩn náu, hoạt động; số đối tượng hình sự ngoài xã hội còn nhiều, trong đó có đối tượng sau cai nghiện trở về địa phương hiện công tác quản lý còn khó khăn...

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng bày tỏ lo lắng về tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện nguồn ma túy thẩm lậu vào Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy so với thời gian trước không có sự thay đổi nhiều, đáng chú ý đã phát hiện đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp bằng đường không từ Lào qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất về thành phố để tiêu thụ nội địa.

Đặc biệt, tình hình tội phạm điều chế, chiết xuất tiền chất ma túy đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại trên địa bàn thành phố.

Về kết quả công tác phòng chống tội phạm, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, đã điều tra, khám phá 4.119 vụ phạm pháp hình sự, bắt 5.254 tên, đạt 66,2%, tăng 0,18% so với năm 2012; triệt phá 837 băng nhóm, bắt 2.124 tên tội phạm các loại. Bắt 434 tên có lệnh truy nã, tiếp nhận 130 tên đầu thú. Ngành công an cũng xử lý 823 vụ cờ bạc, bắt 4.377 đối tượng, thu giữ trên 5 tỷ đồng...

Đặc biệt, về tội phạm ma túy đã khám phá 1.885 vụ, tăng 162 vụ so năm 2012, xử lý 3.950 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận vận chuyển và tổ chức, sử dụng các chất ma túy; thu giữ trên 65kg heroin, cần sa, ma túy tổng hợp...

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an cũng thông tin thêm về tội phạm đang nổi lên ở Thành phố Hồ Chí Minh là các tội phạm về kinh tế, buôn lậu; tội phạm về công nghệ cao diễn ra ngày càng quyết liệt tấn công trong nhiều lĩnh vực, không chỉ quy mô một tỉnh, thành phố mà cả nước.

Đặc biệt là tội phạm về môi trường, chất thải, trong đó đáng lo ngại là thực phẩm nguy hại làm cho người dân không an tâm khi sử dụng. Hiện người dân rất bất an về thực phẩm.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, hiện tội phạm ma túy, đặc biệt là tại có tình trạng đãi sinh nhật bằng ma túy đá, heroin là vấn đề đáng lo ngại. Hiện đường dây buôn lậu ma túy vẫn phức tạp, nóng, tội phạm sử dụng cả con người, trong đó cả phụ nữ Việt Nam để vận chuyển ma tuý.

Đại diện tỉnh Nam Định cho biết, các đô thị nổi lên tình trạng cướp giật, trộm cắp nhà dân, trộm cắp xe máy. Bên cạnh đó, tình trạng vỡ nợ tại các địa phương là miếng mồi ngon cho đối tượng xã hội đen, tội phạm phát triển vì khi giải quyết vấn đề này người dân thường đi thuê giang hồ đi đòi nợ thay hiện rất nhức nhối khi các đối tượng này thường đe dọa, giết hại người bị nợ…

Tăng cường chống tội phạm có tổ chức

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đã bàn nhiều biện pháp trong công tác phòng chống tội phạm hình sự, ma túy… Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình cần phải phối hợp với các địa phương trong phòng chống tội phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cho biết, nếu các địa phương phối hợp tốt hơn nữa thì công tác chống tội phạm sẽ đạt kết quả cao.

Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, cần phải phát động phong trào quần chúng trong phòng chống tội phạm, công an phải là chỗ dựa của dân, khi dân tin thì đó mới là giải pháp hiệu quả, giải quyết triệt để tội phạm.

Trung tướng Trần Phi Hổ, Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng cần phải phối hợp cho chặt chẽ, đồng bộ giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long thì mới tránh tình trạng lùa tội phạm chạy về Thành phố Hồ Chí Minh ẩn náu.

Đại diện Quân khu 7, cũng đồng quan điểm và cho rằng tội phạm cần đất sống vì vậy phải có công tác phối hợp, các tỉnh nên cùng với bộ công an phối hợp thực hiện trong thời gian dài chứ không thể một thời gian ngắn mà được. Tội phạm đều được công an biết, các cấp cơ sở đều biết nhưng công tác đấu tranh chưa triệt để thì cần phát động phong trào vì an ninh tổ quốc trong toàn quần chúng để thực hiện công tác này tốt hơn.

Đại diện tỉnh Bình Phước cũng đề nghị cần thiết lập đương dây nóng giữa các địa phương để từ đó có thể chủ động có biện pháp phòng ngừa đấu tranh đồng thời thường xuyên tổ chức trao đổi thông tin trong công tác phòng chống tội phạm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân bày tỏ mong muốn các đơn vị phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm bình yên cho nhân dân.

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn chiến lược của cả nước, giữ vững tình hình trị an cho thành phố không chỉ riêng cho thành phố mà còn phục vụ chung, ổn định chung cho cả nước.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ra sự cần thiết của phối hợp liên vùng trong công tác phòng chống tội phạm, phối hợp giữa các lực lượng công an, quân đội và các lực lượng khác ở địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thay mặt Thủ tướng, đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh làm tốt công tác phòng chống tội phạm đảm bảo an ninh, trong đó, đã có phối hợp với các tỉnh trong công tác chống tội phạm.

Nhìn nhận về tội phạm vùng giáp ranh vẫn còn tăng rất cao, tội phạm ẩn về ma túy, kinh tế, môi trường đặt ra cho thành phố về nguy cơ ảnh hưởng rất lớn, vì vậy, Phó Thủ tướng đồng tình với các ý kiến khi cho rằng công tác phối hợp giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương là quan trọng trong công tác chống tội phạm.

“Với truyền thống phối hợp của công an, quân đội và quần chúng nhân dân chúng ta có thể kiềm chế, triệt phá tội phạm đảm bảo bình yên cho nhân dân, tạo môi trường đầu tư, xã hội an toàn. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mặt trận, quần chúng, trong đó lực lượng nòng cốt là công an cần quyết tâm kiềm chế, giảm thấp nhất tội phạm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận thường sắp Tết, cuối năm tội phạm sẽ tăng, nên việc mở cao điểm trấn áp tội phạm cướp giật, ma túy, băng nhóm xã hội đen, đòi nợ thuê, tội phạm về buôn lậu, hàng cấm hàng giả, an toàn thực phẩm, công nghệ cao... sẽ gia tăng.

Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, ra quân đồng bộ, mạnh tay để tội phạm phải chùn tay, khiếp sợ trước sức mạnh của công tác phối hợp phòng chống tội phạm.

Đặc biệt Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa trong toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm. Công tác phòng, chống tội phạm không thể khoán trắng cho công an, mà phải cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành công an, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh cần tập trung đấu tranh, không làm ngơ, không tiếp tay, không dung túng tội phạm. Cần làm tốt công tác xây dựng lực lượng, xây dựng cán bộ có đạo đức. Cần thay ngay những cán bộ thiếu đạo đức, thiếu quyết tâm trong phòng, chống tội phạm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tội phạm còn lộng hành là do công tác cán bộ còn yếu. Vì vậy, các địa phương cần hỗ trợ, quan tâm đến cán bộ, động viên công an, đồng thời cũng phải làm rõ trách nhiệm tổ chức, cán bộ không hoàn thành niệm vụ.

“Nơi nào để tội phạm lộng hành, cấp ủy, chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đừng để con sâu làm rầu nồi canh, trong khi đối tượng cán bộ thiếu phẩm chất chỉ là số ít.” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần động viên, khen thưởng, nêu gương kịp thời những cán bộ, công an làm tốt công tác phòng, chống tội phạm. Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền các gương tốt, người dân thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm.

“Một cuộc sống bình yên, một cái Tết Giáp Ngọ đến mọi người, mọi nhà khi các địa phương có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm.” – Phó Thủ tướng chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục