Cần sớm hỗ trợ dân tái định cư trước mùa mưa bão

Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn chung đời sống người dân tại các khu tái định cư thủy điện còn quá thấp.
Ngày 10/9, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra việc thực hiện di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để tổng hợp đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng sớm có những hỗ trợ người dân trước mùa mưa bão.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Đủ, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trưởng đoàn công tác, cho biết qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, nhìn chung đời sống của người dân tại các khu tái định cư thủy điện còn quá thấp.

Sau khi tổng hợp số liệu, đoàn công tác sẽ báo cáo Chính phủ và bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp, trong đó chú trọng tham mưu cho Chính phủ thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất sau tái định cư để nâng cao đời sống người dân.

Trước mắt, đoàn công tác đề nghị lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư cần phối hợp rà soát lại việc ăn ở của đồng bào phải di dời, tái định cư để có hướng giải quyết.

Quảng Nam cũng cần có bộ phận chuyên theo dõi, đôn đốc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân tại các khu tái định cư, nhất là tái định cư thủy điện để tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, hoặc sớm có đề nghị lên cấp trên chủ động giải quyết thấu đáo cho người dân.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều công trình thủy điện, trong đó có ba công trình thủy điện lớn phải di dời, tái định cư trên 100 hộ/dự án, trong đó, thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My và Nam Trà My) di dời, tái định cư 1.046 hộ; thủy điện A Vương (huyện Đông Giang và Tây Giang) di dời 330 hộ; thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang) di dời 233 hộ và công trình thủy lợi hồ Đông Tiễn (huyện Thăng Bình) di dời 186 hộ.

Theo quy hoạch, tổng số hộ phải di dời, tái định cư trên địa bàn là gần 1.800 hộ. Đến nay, việc di dời tái định cư công trình thủy lợi đã hoàn thành. Tại các công trình thủy điện đã di dời 1.476 hộ với 7.357 khẩu.

Ông Nguyễn Văn Gặp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết đến nay, việc di dời tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi công trình thủy lợi, thủy điện đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn do trước đó, các nhà đầu tư thực hiện “quy trình ngược” khi thực hiện xây dựng khu tái định cư xong mới lo tìm nguồn nước và đất sản xuất phục vụ người dân. Do thiếu đất sản xuất và thiếu nước nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống.

Mặc dù mới đây, Quảng Nam đã được phê duyệt chuyển đổi 1.000ha đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để phân bổ cho người dân tái định cư. Tuy nhiên, do độ dốc của đất lớn nên việc canh tác theo tập quán truyền thống cũng chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, việc xây nhà tái định cư cho người dân không phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán nên hàng chục hộ dân đã bỏ nhà tái định cư, quay về nơi cũ sinh sống.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tích cực phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng thêm một số khu tái định cư, đường giao thông, hỗ trợ người dân sửa nhà. Tuy nhiên, đời sống người dân tại các khu tái định cư thủy điện vẫn còn rất khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã khu vực tái định cư chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/năm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết do chưa có kinh nghiệm trong công tác tái định cư, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; bên cạnh đó, Quảng Nam cũng đang “vướng” một số vấn đề về cơ chế, chính sách nên công tác tái định cư còn nhiều bất cập.

Ông Quang cho biết thêm: "Chủ đầu tư khi thực hiện xây dựng công trình là một ban quản lý, sau khi xây dựng hoàn thành thì bàn giao cho một đơn vị khác vận hành, khai thác nên khi xảy ra vấn đề cần giải quyết thì chính quyền cũng như người dân rất khó gặp “đúng đối tượng” để phối hợp giải quyết."

Trước những khó khăn, vướng mắc, Quảng Nam kiến nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tái định cư mang tính đặc thù cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần đôn đốc, chỉ đạo các Ban quản lý dự án thủy điện đóng trên địa bàn phối hợp với địa phương và các bên liên quan để giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quá trình triển khai xây dựng các dự án thủy điện; hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng tại các khu tái định cư và hỗ trợ kinh phí khai hoang cho người dân và cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác định giới hạn phạm vi, ranh giới thu hồi đất đối với dự án thủy lợi, thủy điện./.

Nguyễn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục