Cần xây dựng các thương hiệu mạnh ICT Việt Nam

Các chuyên gia và doanh nghiệp ICT vừa có cuộc tọa đàm về xây dựng thương hiệu viễn thông-công nghệ thông tin (ICT) mạnh Việt Nam.
Làm thế nào để xây dựng các thương hiệu viễn thông - công nghệ thông tin (ICT) mạnh Việt Nam và những tiêu chí để xây dựng thương hiệu ICT Việt là chủ đề của cuộc tọa đàm "Xây dựng thương hiệu mạnh ICT Việt Nam," diễn ra ngày 20/5, tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin thì việc định vị các thương hiệu ICT mạnh mang tầm quốc gia và trên thế giới là rất cần thiết. Vì thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một quốc gia có nhiều doanh nghiệp mạnh sẽ khẳng định được sự phát triển của quốc gia đó trên trường quốc tế về một lĩnh vực cụ thể.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam như Trung tâm An ninh Mạng Bách khoa (BKIS); Tập đoàn Viễn thông Quân đội(Viettel); Công ty VTC Intecom; Công ty trách nhiệm hữu hạn Viễn thông An Bình... đã trao đổi, chia sẻ về quá trình phát triển và định vị thương hiệu trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam. Theo đó, có thể thấy mỗi doanh nghiệp đã có một hướng đi riêng để khẳng định vị trí của mình.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc BKIS chia sẻ những yếu tố giúp BKIS có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa và cạnh tranh với các công ty thế giới là làm chủ công nghệ, có công nghệ gốc và có nguồn nhân lực giàu nhiệt huyết.

Hiện nay, phần mềm diệt virus của BKIS chiếm tới 85% thị phần ở Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, BKIS đã tham gia trực chiến và liên tục phát hiện ra những lỗ hổng trong các sản phẩm phần mềm để cảnh báo cho người sử dụng trên toàn cầu. Các tờ báo công nghệ đã dẫn nguồn tin từ BKIS bình đẳng với những công ty an ninh mạng trên thế giới như Symantec, BitDefender... BKIS đã trở thành nhà tư vấn an ninh mạng cho hầu hết các cơ quan quan trọng của Chính phủ, các ngân hàng trong nước và đang phấn đấu ra mắt sản phẩm có thương hiệu toàn cầu trong thời gian sớm nhất.

Với Viettel, phương châm để khẳng định sự phát triển của mình trong lĩnh vực viễn thông chính là yếu tố thị trường. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel, thị trường trong nước chính là tài sản quan trọng nhất để hình thành một doanh nghiệp lớn, đồng thời khi muốn vươn ra thế giới thì việc tạo ra thương hiệu mang tính cá thể hóa là cần thiết. Cụ thể như Viettel khi đến với thị trường Lào, Campuchia đã tạo ra những sản phẩm viễn thông mang đậm dấu ấn bản địa, bằng ngôn ngữ của chính quốc gia họ; do vậy nhanh chóng khẳng dịnh được vị thế trong thị trường viễn thông các nước này.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần hỗ trợ từ phía Chính phủ cho sự phát triển của doanh nghiệp như tạo môi trường pháp lý lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp; hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư ra nước ngoài; miễn thuế thu nhập cho lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào làm việc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam..../.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục