Bộ Y tế Canada đã phê duyệt một loại thuốc kháng thể mới giúp bảo vệ trẻ sơ sinh tránh bị nhiễm bệnh nặng do loại virus hợp bào hô hấp, hay còn gọi là RSV, gây ra.
Loại thuốc này có tên Nirsevimab, còn được biết đến với tên biệt dược là Beyfortus, do hãng dược AstraZeneca và Sanofi phát triển.
Trong thông báo ngày 22/4, người phát ngôn Bộ Y tế Canada Mark Johnson cho biết Nirsevimab là "kháng thể đơn dòng có thể ngăn ngừa bệnh viêm đường hô hấp dưới do nhiễm virus RSV ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong mùa virus RSV đầu tiên của trẻ."
Thuốc này được chỉ định sử dụng qua đường tiêm và có thể sử dụng cho trẻ em đến 2 tuổi nếu trẻ có nguy cơ mắc bệnh nặng.
Các kháng thể đơn dòng được tạo ra trong phòng thí nghiệm sẽ bắt chước các kháng thể tự nhiên trong ngăn ngừa hoặc chữa trị bệnh.
Nirsevimab sẽ gắn vào một protein trên bề mặt của virus và ngăn virus xâm nhập vào tế bào của cơ thể, đặc biệt là các tế bào trong phổi.
Canada đã sử dụng kháng thể đơn dòng Palivizumab, hay còn gọi là Synagis, cho trẻ sinh non vì trẻ sinh non dễ bị mắc bệnh do virus RSV gây ra.
Palivizumab cần được tiêm mỗi tháng một lần và tối đa 4 lần trong mùa virus RSV mới có thể duy trì hiệu quả, trong khi Nirsevimab chỉ cần một liều cho cả mùa.
Tiến sỹ Anna Banerji, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ, cho biết thuốc Nirsevimab chỉ cần dùng một lần nhưng có thể giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus RSV.
Bà khuyến nghị cung cấp thuốc này cho tất cả trẻ sơ sinh, chứ không chỉ cho trẻ sinh non như với Palivizumab, bởi trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhiễm RSV và khả năng tiếp cận chăm sóc hạn chế nếu trẻ mắc bệnh nặng.
[Vaccine thử nghiệm ngừa RSV của Pfizer hiệu quả 82% với trẻ sơ sinh]
Hiện Bộ Y tế Canada đang xem xét hiệu quả của Nirsevimab trong ngăn ngừa virus RSV ở trẻ sơ sinh và hy vọng thuốc này có sẵn để sử dụng trong mùa Thu-Đông năm 2023-2024.
Theo Cơ quan y tế công cộng Canada, hầu hết trẻ em ở Canada bị nhiễm virus RSV khi mới 2 tuổi.
RSV thường gây bệnh nhẹ, nhưng cũng có trường hợp trở nặng và là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi.
Mùa Thu-Đông năm ngoái, virus RSV cùng với virus gây bệnh cúm và virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã khiến số ca nhập viện ở trẻ em tại Canada gia tăng đáng kể.
Trước đó, theo kết quả thử nghiệm lâm sàng này đã được công bố ngày 6/4 trên tạp chí New England Journal of Medicine, khi được tiêm cho phụ nữ mang thai ở giai đoạn nửa sau thai kỳ, vaccine thử nghiệm ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) của hãng dược phẩm Pfizer có hiệu quả 82% trong phòng ngừa bệnh chuyển nặng ở trẻ sơ sinh.
Theo nghiên cứu, vaccine RSVpreF có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh ở đường hô hấp dưới trở nặng, như nồng độ oxy rất thấp hoặc cần thở máy, ở trẻ sơ sinh trong 90 ngày đầu đời.
Kết quả đánh giá tình trạng sức khỏe của 3.570 trẻ sơ sinh cho thấy trong 3 tháng, bệnh nặng xảy ra ở 6 trẻ sơ sinh có mẹ được tiêm vaccine, so với 33 trẻ sơ sinh nhiễm RSV thể nặng có mẹ dùng giả dược.
Vaccine thử nghiệm cũng có hiệu quả 69,4% ngăn ngừa bệnh trở nặng trong 180 ngày đầu đời của trẻ./.