Căng thẳng Nga-Ukraine: Bài test sức mạnh nền kinh tế xứ Bạch dương

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng xây dựng một “nền kinh tế phòng thủ,” với khả năng chống chịu các hình phạt ngày càng khắc nghiệt từ phương Tây.
Căng thẳng Nga-Ukraine: Bài test sức mạnh nền kinh tế xứ Bạch dương ảnh 1Một nhà máy nhiệt điện của tập đoàn khí đốt Gazprom ở Sochi, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ năm 2014, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc nước này sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng xây dựng một “nền kinh tế phòng thủ,” với khả năng chống chịu các hình phạt ngày càng khắc nghiệt từ phương Tây.

Tuy nhiên mới đây nhất, trong bối cảnh Tổng thống Putin đã quyết định mở một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào xứ Bạch dương.

Trong đó, hình phạt nặng nề nhất có lẽ là quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hôm 26/2.

Tuyên bố chung của các lãnh đạo châu Âu và Mỹ cho biết việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này "mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và bị tổn hại năng lực hoạt động toàn cầu."

"Nền kinh tế phòng thủ" nhiều mong manh

Giới quan sát cho rằng các biện pháp trừng phạt đã được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh công bố sẽ là một bài test đặc biệt đối với "nền kinh tế phòng thủ" của Nga.

Lo sợ về tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đã khiến chứng khoán Nga giảm đến 33% trong phiên giao dịch ngày 24/2.

Mặc dù trong những phiên sau đó, thị trường đã phần nào phục hồi, song đồng ruble của Nga vẫn tiếp tục được giao dịch gần mức thấp kỷ lục so với đồng USD và đồng euro.

[Những doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất từ căng thẳng Nga-Ukraine]

Nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD của Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, ngay sau Hàn Quốc. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này hầu như không tăng trưởng và người dân ngày càng nghèo hơn. Ngoài ra, việc giá trị của đồng ruble sụt giảm đã “quét đi” 800 tỷ USD giá trị của nền kinh tế Nga.

Kể từ năm 2014, Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD, hạn chế chi tiêu của chính phủ và tăng cường dự trữ ngoại hối.

Các nhà hoạch định kinh tế của Tổng thống Putin đã tìm cách thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước bằng cách ngăn chặn các sản phẩm tương đồng từ nước ngoài.

Trong khi đó, Nga cũng tích lũy được kho dự trữ ngoại hối với giá trị lên đến 630 tỷ USD - một khoản tiền khổng lồ so với hầu hết các quốc gia khác.

David Lubin, một chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn tài chính Citi và cơ quan nghiên cứu Chatham House (Vương quốc Anh), cho biết lý thuyết "kinh tế học phòng thủ" yêu cầu một nguồn dự trữ ngoại hối lớn để chi tiêu trong trường hợp các lệnh trừng phạt có hiệu lực, và Nga đã theo đuổi mô hình này một cách rất nghiêm túc.

Thực tế là một vài trong số những khoản dự trữ này đã được triển khai. Ngân hàng trung ương Nga (BoR) hôm 24/2 cho biết họ đang can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng ruble.

Hôm 25/2, BoR cho biết họ đang tăng cường “bơm” tiền mặt vào các máy ATM để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngày càng tăng của người dân.

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin một số ngân hàng đã ghi nhận lượng tiền rút ra tăng mạnh kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, đặc biệt là ngoại tệ.

Trong khi tăng cường dự trữ ngoại hối để phòng thủ nền kinh tế, chiến lược “thắt lưng buộc bụng” của Tổng thống Putin đã phần nào hạn chế tăng trưởng kinh tế, đầu tư và năng suất.

Nga cũng chưa đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt, khiến nước này chịu nhiều tác động từ sự biến động của giá hàng hóa toàn cầu.

Sự phối hợp chưa từng có của các đồng minh

Chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Nga tuyên bố mở một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này.

Căng thẳng Nga-Ukraine: Bài test sức mạnh nền kinh tế xứ Bạch dương ảnh 2Nhân viên kiểm đồng ruble tại nhà máy in tiền ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào hai tổ chức tài chính lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB, đồng thời ngăn những tổ chức này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ.

Các công ty nhà nước của Nga cũng sẽ không được phép huy động vốn thông qua các thị trường Mỹ. Những biện pháp trừng phạt này nhắm đến gần 80% tài sản ngân hàng ở Nga.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang cố gắng hạn chế hoạt động các công ty quân sự và công nghiệp của Nga bằng cách ngăn họ mua những công nghệ quan trọng như chip máy tính tiên tiến.

Cùng với Mỹ, EU, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Australia và các quốc gia cũng khác đã công bố biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với các công ty và cá nhân Nga trong một động thái phối hợp được coi là lớn chưa từng có về phạm vi và tác động kinh tế tiềm tàng.

Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện các nền kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan và là chuyên gia về hệ thống tài chính ngân hàng của Nga nhận định: “Tôi không nghĩ chúng ta đã chứng kiến bất cứ điều gì tương tự và lần này (các biện pháp trừng phạt) là nghiêm trọng hơn nhiều so với hồi năm 2014.”

Tất nhiên, Nga dường như đã chuẩn bị tinh thần cho những diễn biến này. Trong bối cảnh giá dầu toàn cầu đang neo quanh ngưỡng 100 USD/thùng, từ đó mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhà nước, Nga vẫn có thể đảm bảo việc trả lương và lương hưu.

"Họ có thể xoay sở trong một thời gian," chuyên gia Korhonen nói. "Tuy nhiên, nếu điều này kéo dài, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại hơn nữa."

Nga-Phương Tây: Ai thiệt hại nhiều hơn?

Mỹ và EU cho đến nay đã tránh thực hiện các mục tiêu trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ của Nga. Tuy nhiên hôm 26/2, một sự đồng thuận đã đạt được trong việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Sự lưỡng lự đã được ghi nhận bởi đây đều là những động thái có thể gây ra hậu quả kinh tế nặng nề cho phương Tây.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất. Một số chuyên gia cho rằng việc cắt giảm xuất khẩu có thể làm tăng giá những mặt hàng này lên tới 50%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng đột biến đang được ghi nhận trên thế giới.

Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn quốc tế nhận định: "Đây không phải là Triều Tiên, cũng không phải là Venezuela hay Iran. Với khả năng xuất khẩu năng lượng, Nga có tầm quan trọng về mặt hệ thống và đặc biệt quan trọng đối với thị trường năng lượng thế giới."

Ông Lipsky lập luận rằng nếu phương Tây cấm xuất khẩu năng lượng từ Nga, điều đó sẽ làm tăng giá năng lượng theo hướng có lợi hơn là làm tổn hại đến nền kinh tế nước này.

Ông cho rằng Nga sẽ tìm thấy những “bến đỗ” khác cho nguồn cung năng lượng của mình, chẳng hạn như ở Trung Quốc, và họ sẽ có nhiều tiền hơn, chứ không phải ít hơn.

Ngoài ra, Nga cũng là nguồn cung cấp dồi dào các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, bao gồm gỗ xẻ và khoáng sản. Đây là nhà sản xuất titanium lớn thứ hai thế giới rất quan trọng cho hoạt động sản xuất máy bay, trong khi Ukraine là nhà sản xuất kim loại lớn thứ 5.

Giám đốc điều hành Dave Calhoun của Boeing thừa nhận công ty này có thể gặp khó khăn nếu nguồn cung bị cắt đứt.

Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng với những diễn biến đang xảy ra xung quanh căng thẳng Nga-Ukraine, đó là một cái giá mà phương Tây sẵn sàng trả. Hơn nữa, có một sự thật là Nga không phải là thị trường lớn cho hàng xuất khẩu của các nước phương Tây.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ vào năm ngoái, Mỹ chỉ xuất khẩu 6,4 tỷ USD hàng hóa sang Nga. Để so sánh, hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong cùng kỳ đạt 151 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục