Căng thẳng thương mại ảnh hưởng tăng trưởng châu Á-Thái Bình Dương

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2019 sẽ ở mức 5,8%, thấp hơn so với mức 6,3% của năm 2018.
Căng thẳng thương mại ảnh hưởng tăng trưởng châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 10/10, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2019 sẽ chậm lại do những bất ổn xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế của khu vực này năm 2019 sẽ ở mức 5,8%, thấp hơn so với mức 6,3% của năm 2018.

Báo cáo chỉ ra các yếu tố như nhu cầu toàn cầu giảm và những bất ổn gia tăng là những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu và đầu tư tại khu vực chậm lại. Các căng thẳng thương mại gia tăng cũng là mối đe dọa lâu dài với tăng trưởng của khu vực.

WB cho rằng những quốc gia có thể đóng vai trò là "công xưởng của thế giới" như Trung Quốc có thể sẽ được hưởng lợi một cách hạn chế trong ngắn hạn khi căng thẳng thương mại và bất ổn toàn cầu gia tăng.

[Mỹ liệt 28 tổ chức chính phủ-thương mại Trung Quốc vào danh sách đen]

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Andrew Mason cho rằng ngay cả khi các doanh nghiệp tìm cách chuyển sản xuất sang các quốc gia khác để tránh thuế thì trong ngắn hạn, những quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương cũng sẽ khó có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu vì cơ sở vật chất không phù hợp và sản xuất quy mô nhỏ.

Theo WB, nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu từ khu vực kể trên có thể sẽ tiếp tục suy giảm trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế như Trung Quốc, châu Âu và Mỹ giảm sâu hơn dự báo. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm xuống mức 6,1%, thấp hơn mức 6,6% năm 2018.

WB dự báo trong dài hạn, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải sử dụng tới các biện pháp tài khóa hoặc tiền tệ để kích thích kinh tế, đồng thời cải cách quy định để thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến tiếp tục giảm xuống mức 5,8% năm 2020 và 5,6% năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục