Theo kết quả nghiên cứu được trường Đại học Oxford (Anh) công bố trong ngày 18/1, những người mắc COVID-19 dù ở thể nhẹ vẫn có nguy cơ suy giảm trí nhớ cũng như khả năng tập trung trong 6 đến 9 tháng sau khi khỏi bệnh.
Nghiên cứu trên đưa ra lập luận rằng, các vấn đề về nhận thức ảnh hưởng đến mức độ tập trung, đi kèm với chứng hay quên và mệt mỏi, là đặc trưng của hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được mức độ phổ biến của sự tác động tới khả năng tập trung có thể xảy ra ở những người từng mắc COVID-19.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu đối với 136 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không mắc các di chứng thường thấy của bệnh COVID-19.
Người tham gia được yêu cầu hoàn thành các bài tập để kiểm tra trí nhớ và khả năng nhận thức của họ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trí nhớ của các bệnh nhân này đã suy giảm đáng kể khi phải nhắc lại những trải nghiệm cá nhân - còn được gọi là trí nhớ theo từng giai đoạn - trong khoảng thời gian lên đến 6 tháng sau khi mắc bệnh.
Họ cũng bị suy giảm nhiều về khả năng duy trì sự tập trung trong thời gian dài so với những người không mắc COVID-19, tính trong vòng 9 tháng sau khi mắc bệnh.
Tiến sỹ Sijia Zhao thuộc Khoa Tâm lý thực nghiệm của Đại học Oxford cho biết: “Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục của chúng tôi không cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nào (của bệnh COVID-19) ở thời điểm thực hiện nghiên cứu này, nhưng họ đã cho thấy khả năng tập trung và trí nhớ bị suy giảm. Phát hiện chỉ ra rằng mọi người có thể trải qua một số triệu chứng về suy giảm nhận thức kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc COVID-19."
[Phát hiện mới mở đường cho việc điều trị hội chứng COVID kéo dài]
Theo các nhà nghiên cứu, những người tham gia thử nghiệm đã chứng minh rằng trí nhớ theo từng giai đoạn và khả năng tập trung của họ gần như đã trở lại bình thường sau thời gian tương ứng là 6 tháng và 9 tháng.
Các phân tích cũng cho thấy họ thể hiện tốt trong các bài kiểm tra về các khả năng nhận thức khác, bao gồm trí nhớ làm việc và lập kế hoạch.
Chuyên gia Stephen Burgess thuộc Cơ quan Thống kê sinh học MRC của Đại học Cambridge (Anh) cho biết tuy nghiên cứu trên chỉ được thực hiện đối với số ít người tham gia, nhưng kết quả thu được không phải là ngẫu nhiên.
Ông nhấn mạnh: “Sự khác biệt giữa những người mắc và không mắc COVID-19 trong một số chỉ tiêu so sánh cụ thể về khả năng nhận thức được xem xét trong nghiên cứu này là rất đáng chú ý"./.