Cao Bằng đón nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu

Tối 24/11, tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu; Công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950...
Cao Bằng đón nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu ảnh 1Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, trao Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tối 24/11, tỉnh Cao Bằng long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu; Công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc.”

Ngày 12/4, tại Paris (Pháp), cuộc họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Như vậy, sau Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng là địa phương thứ hai của Việt Nam và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á được đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.

Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là tiếp tục xây dựng và phát triển Công viên địa chất đáp ứng các tiêu chí, định hướng của UNESCO về một Công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển du lịch bền vững.

[Non nước Cao Bằng - công viên địa chất toàn cầu thứ 2 của Việt Nam]

Về di tích lịch sử Địa điểm chiến dịch Biên giới năm 1950, đây là chiến dịch tiến công lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng là chiến dịch đầu tiên và duy nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch, động viên quân và dân chiến đấu.

Chiến thắng Biên giới năm 1950 là bước ngoặt quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Với vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quân và dân Cao Bằng cũng như quân dân cả nước trong việc bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích, tỉnh Cao Bằng đã lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950, huyện Thạch An là di tích Quốc gia đặc biệt.

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 10 năm 2018 do Cao Bằng đăng cai tổ chức với sự tham gia của sáu tỉnh trong vùng Việt Bắc diễn ra từ ngày 21-26/11 với nhiều hoạt động như triển lãm ảnh, trưng bày các gian hàng văn hóa, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật dân gian...

Cao Bằng đón nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng công nhận Di tích quốc gia Đặc biệt địa điểm Chiến thắng biên giới 1950 thuộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chương trình tạo cơ hội, hợp tác phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của các tỉnh Việt Bắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế. Nếu chúng ta biết cách tương tác giữa di sản với những yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng, cũng như kết nối với các di sản khác của vùng và các trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển bền vững.

Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực..., để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc. Cao Bằng cần phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam. Vì vậy, cần có những cách làm sáng tạo biến việc bảo tồn, phát huy di sản thành quốc kế dân sinh, giúp cải thiện trực tiếp đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, tạo động lực để bảo vệ môi trường sinh thái-tự nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa–lịch sử, tài nguyên thiên nhiên mà cha ông đã để lại.

Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, Chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Việt Bắc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác, phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng một cách toàn diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục