Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 bàn giao được 94% cọc giải phóng mặt bằng

Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 bàn giao 94% cọc giải phóng mặt bằng

Với tiến độ hiện nay, công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ đáp ứng được kế hoạch đề ra, hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, tính đến hết tháng 5/2022, các Ban quản lý dự án đã thực hiện bàn giao hơn 682/729km (đạt 94%) cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương có tuyến đường này đi qua.

Cụ thể, các dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (dài 88km); Vạn Ninh-Cam Lộ (dài 68km) đã cơ bản hoàn thành công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương.

Dự kiến đến ngày 15/6, Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện bàn giao hồ sơ thiết kế toàn bộ hơn 89km của 2 dự án Bãi Vọt-Hàm Nghi và Hàm Nghi-Vũng Áng cho địa phương.

Đối với đoạn Vân Phong-Nha Trang, Ban quản lý dự án 7 đã bàn giao cho địa phương 68,5/81km; đoạn Chí Thạnh-Vân Phong bàn giao được 41/48km và sẽ hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/6 tới.

Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn tùy theo mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 theo đúng mốc tiến độ Nghị quyết 18 của Chính phủ đặt ra.

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương thực hiện các công tác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công cuối năm 2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023.

[Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 có đột phá tiến độ triển khai]

Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng có vai trò quan trọng và thường là nút thắt của dự án, ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế phối hợp với các địa phương khu vực tuyến đi qua nghiên cứu kỹ hướng tuyến để tránh các khu dân cư đông đúc, giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng.

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, bộ đã chỉ đạo lập hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các địa phương để kịp thời triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chính vì vậy, khi khởi công các dự án thành phần, cơ bản công tác giải phóng mặt bằng đã đạt được khoảng 90% khối lượng.

“Tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, thời gian để Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương khoảng 5 tháng và thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án khoảng 10 tháng, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn tất trong thời gian khoảng 1,5 năm. Đây có thể được coi là bước đột phá về thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh./.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, số hộ dân bị ảnh hưởng là 14.983 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ.

Tổng khối lượng vật liệu đắp nền đường cho 12 dự án khoảng 85,94 triệu m3, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, tổ chức triển khai thi công trong năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục