Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn kêu gọi hòa bình ở Ukraine

Tổng số người rời khỏi Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra đã lên tới hơn 5 triệu người, ước tính 7,1 triệu người khác cũng đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán trong nước ở quốc gia này.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn kêu gọi hòa bình ở Ukraine ảnh 1Người dân tại Mariupol (Ukraine), ngày 12/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 17/4, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi bày tỏ hy vọng tình hình tại Ukraine sớm ổn định sau khi hơn 4,8 triệu người dân nước này đã phải sơ tán kể từ khi xung đột xảy ra cuối tháng Hai.

Theo UNHCR, hiện tổng số 4.869.019 người Ukraine đã rời khỏi nước này vì xung đột. Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết gần 215.000 công dân nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Ukraine cũng đã sơ tán khỏi nước này. Theo đó, tổng số người rời khỏi Ukraine hiện là hơn 5 triệu người kể từ khi xung đột nổ ra.

Trong số những người sơ tán khỏi Ukraine có hơn 2,75 triệu người đến Ba Lan, gần 740.000 người đến Romania. Phụ nữ và trẻ em chiếm đến 90% số người rời khỏi Ukraine.

Ngoài ra, IOM ước tính còn 7,1 triệu người khác cũng đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán ở trong nước Ukraine.

Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Bộ Nội vụ Nga cho biết nhiều người ở Ukraine, những người đến Nga trong tình huống khẩn cấp, đã được sắp xếp nơi cư trú tại 8 khu vực của Nga.

Bộ này nhấn mạnh các cơ quan thực thi pháp luật Nga ưu tiên cấp giấy chứng nhận cho nhóm đối tượng này, những người tìm cách hợp pháp hóa quy chế của họ ở Nga.

[Ukraine tuyên bố tạm ngừng sơ tán dân thường khỏi miền Đông]

Trước đó, Bộ Nội vụ Nga còn cho biết những người đến từ Ukraine sẽ không phải chịu trách nhiệm khi vi phạm quy định về cơ chế lưu trú tại Nga, theo đó họ có thể xin giấy phép cư trú dựa trên các giấy tờ đã hết hạn. Đến nay, tổng cộng 845.000 người ở Ukraine sơ tán sang Nga.

Về phía Ukraine, ngày 17/4, Phó Thủ tướng nước này Iryna Vereshchuk tuyên bố tạm ngừng hoạt động sơ tán dân thường vòng một ngày do chưa nhất trí được với các lực lượng Nga. Do vậy, Ukraine không mở các hành lang nhân đạo trong ngày 17/4.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev không có bất kỳ liên lạc ngoại giao cấp bộ nào với Moskva và tình trạng ở cảng Mariupol có thể là “lằn ranh đỏ” trong tiến trình đàm phán.

Phía Ukraine đã bác bỏ tối hậu thư của Nga về việc hạ vũ khí đầu hàng tại cảng Mariupol, nơi Moskva thông báo các lực lượng Nga đã gần như kiểm soát được hoàn toàn sau gần hai tháng giao tranh.

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của lãnh đạo các vùng lãnh thổ tại Donbass.

Ông nhấn mạnh rằng các kế hoạch của Moskva không bao gồm việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine, mà mục tiêu là phi quân sự hóa và quy chế trung lập của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục