Câu chuyện thực phẩm biến đổi gene (GMO) đã và đang được tranh luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng khi mới đây, Chính phủ Thụy Sĩ đề xuất gia hạn lệnh cấm mới cho đến cuối năm 2025 đối với việc nuôi trồng các sinh vật biến đổi gene và bán các sản phẩm GMO ở Thụy Sĩ.
Lệnh cấm GMO của Thụy Sĩ đã được đưa ra lần đầu tiên sau một sáng kiến của người dân vào năm 2005. Kể từ đó, Quốc hội Thụy Sĩ đã gia hạn ba lần.
Sản xuất nông nghiệp bền vững hơn hiện là vấn đề sống còn của dân số toàn cầu với ước tính cần nuôi sống khoảng 9 tỷ người vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này cần phải sản xuất thêm 1,1% calo mỗi năm, nhưng điều này không nên đến từ việc sử dụng nhiều hơn đất đai. Khoảng 1/4 lượng khí nhà kính toàn cầu là do lĩnh vực nông nghiệp phát thải.
Eva Reinhard - người đứng đầu cơ quan liên bang Thụy Sĩ về nghiên cứu nông nghiệp Agroscope - đã bày tỏ sự thất vọng trước kế hoạch của chính phủ gia hạn lệnh cấm thực vật biến đổi gene thêm 4 năm sau khi kết thúc năm 2021.
Bà Reinhard cho rằng phương pháp chờ đợi và xem xét là việc lãng phí thời gian quý báu khi tình trạng thiếu lương thực toàn cầu đang diễn ra.
Trong bối cảnh như vậy, lệnh cấm GMO của Thụy Sĩ có thể là sai lầm. Bà Reinhard cho rằng khí hậu ấm lên 1 độ C đồng nghĩa với việc năng suất cây trồng thấp hơn 3-4%. Chúng ta đã gặp vấn đề với khả năng chống hạn hán, và với GMO, chúng ta có thể giải quyết vấn đề đó một cách tương đối nhanh chóng. Hiện vẫn chưa rõ phương pháp nào có thể được sử dụng hợp pháp ở Thụy Sĩ để tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường. Điều đó khiến người nông dân trồng cây không yên tâm và đặc biệt khó khăn cho lĩnh vực nhân giống cây trồng thương mại.
[Hệ quả của công nghệ biến đổi gene trong nông nghiệp tại châu Phi]
Bà Reinhard cho biết thêm chúng ta đã xem xét sự tiến bộ của công nghệ gen trong 40 hoặc 50 năm qua. Và sự thật là công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 đã giành giải Nobel năm nay. Chúng ta đã thực hiện x số lượng thử nghiệm hiện trường và không có bất kỳ thảm họa nào. Nhưng chúng ta vẫn phải đợi.
Theo luật hiện hành, công việc nghiên cứu thực địa của Thụy Sĩ về các cơ hội và rủi ro môi trường do các nguyên mẫu của công nghệ nhân giống cây trồng mới gây ra chỉ có thể diễn ra trên các địa điểm được bảo vệ. Tuyên bố của chính phủ thông báo về việc gia hạn lệnh cấm tạm thời GMO để trả lời các câu hỏi mở về các phương pháp di truyền mới và thảo luận về tầm quan trọng của chúng trong nông nghiệp bền vững.
Các giải pháp để làm cho nông nghiệp bền vững hơn bao gồm giảm lãng phí thực phẩm, phát triển các loại cây trồng có năng suất cao hơn và khả năng chống chịu hạn hán và bệnh tật tốt hơn, đồng thời tìm ra các nguồn protein mới để thay thế thịt, bao gồm lên men sinh khối từ các sinh vật đơn bào.
Bà Reinhard cho rằng kỹ thuật số hóa, sử dụng máy bay không người lái và hình ảnh đa phổ cũng có vai trò trong việc tăng hiệu quả và giảm lượng phân bón, nước và thuốc trừ sâu được sử dụng trên mặt đất.
Một số chuyên gia coi GMO là giải pháp cuối cùng. Urs Brändli, Chủ tịch Liên đoàn nông dân hữu cơ Thụy Sĩ Bio Suisse, cho rằng có nhiều lựa chọn và điều quan trọng là phải thử mọi thứ khác trước. Một trong số các cách tiếp cận mới được Chủ tịch Brändli đưa ra là hỗ trợ canh tác trong nhà. Nếu các thiết bị lắp đặt trong nhà ở các thành phố, chẳng hạn như trong các tòa nhà công nghiệp đã chuyển đổi, có thể được sử dụng để sản xuất thực phẩm trong các hệ thống khép kín không gây gánh nặng cho môi trường, thì tại sao lại không sử dụng.
Ông Brändli tin rằng sản phẩm hữu cơ, hiện chiếm 10% thị phần ở Thụy Sĩ, sẽ tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường thực phẩm mới đa dạng hơn. Tuy nhiên, khó có thể sản xuất ở quy mô cần thiết.
Ông Brändli cho rằng sản phẩm hữu cơ có rất nhiều câu trả lời cho những vấn đề chúng ta gặp phải, nhưng ông thừa nhận sẽ không thể nói rằng đó là giải pháp để nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050.
Bà Reinhard từ Agroscope đã chỉ ra vấn đề năng suất thấp. Nông nghiệp hữu cơ có những tác động rất tích cực đến đa dạng sinh học và đất, nhưng nếu chúng ta sản xuất cây trồng chính của mình một cách hữu cơ mà không thay đổi công nghệ, chúng ta sẽ cần thêm 1/4 đất và nhập khẩu nhiều hơn. Cần phải có các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và năng suất cao hơn, ví dụ như củ cải đường ở Thụy Sĩ ngày càng bị đe dọa do virus củ cải đường. Nếu không có khả năng sử dụng công nghệ gen mới, chúng ta sẽ không kịp tìm ra giải pháp.
Claudio Beretta từ Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich (ZHAW) đã bày tỏ lo ngại về những tác động không thể lường trước được của các sinh vật biến đổi gene trong một môi trường không được kiểm soát. Ông cũng kêu gọi thận trọng về việc áp dụng công nghệ nào nói chung.
Ông Beretta ủng hộ những đổi mới, trong đó công nghệ có thể được sử dụng theo cách có mục tiêu cao, ví dụ như trong việc chiết xuất thực phẩm hư hỏng từ chuỗi thức ăn hoặc làm việc với máy bay không người lái.
Hiện có một loạt đổi mới sẵn sàng được triển khai trên quy mô rộng hơn để làm cho hệ thống thực phẩm bền vững, nhưng trước hết phải nắm bắt được tính cấp thiết của vấn đề./.