Câu chuyện “Khác biệt và Tương lai” của trẻ tự kỷ qua tranh

Với “Khác biệt và Tương lai,” năm em nhỏ tự kỷ cùng kể những câu chuyện về thế giới xung quanh qua cảm nhận của riêng mình.
Câu chuyện “Khác biệt và Tương lai” của trẻ tự kỷ qua tranh ảnh 1Triển lãm kéo dài đến hết ngày 31/5 tại Laca Art Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với “Khác biệt và Tương lai,” năm em nhỏ tự kỷ cùng kể những câu chuyện về thế giới xung quanh qua cảm nhận của riêng mình; từ đó truyền đi thông điệp “Nâng đỡ sự khác biệt, tạo tương lai cho người tự kỷ.”

Mỗi bức tranh một câu chuyện

Trung Hiếu (15 tuổi) là một cậu bé tự kỷ điển hình với nhiều hành vi phức tạp, khó kiểm soát. Chị Nguyễn Thị Mai Anh (ngõ 153 Nguyễn An Ninh, Hà Nội) - mẹ của Hiếu kể, khi Hiếu 5 tuổi cũng là lúc em luôn vẽ nguệch ngoạch lên tường những chữ số - thứ mà em thích nhất.

Khi lên 7 tuổi, em bắt đầu thích mèo. Toàn bộ tranh của Hiếu lúc bấy giờ chỉ vẽ những chú mèo. Dần dần, Hiếu tiếp cận nhiều thứ từ thế giới bên ngoài và những người xung quanh hơn. Tranh của em đã có thêm những cảnh vật, con người, cây cối, xe cộ…

“Cũng giống như nhiều bạn trẻ tự kỷ khác, Hiếu không truyền tải được suy nghĩ của mình bằng lời nói hay những biểu hiện cảm xúc. Vẽ tranh là một hình thức giúp Hiếu biểu đạt thế giới của mình đối với những người xung quanh. Qua tranh, tôi hiểu được Hiếu đang vui hay buồn,” chị Mai Anh chia sẻ.

Lặng đi chừng vài phút, người mẹ ấy bảo, khi vẽ, Trung Hiếu chẳng hề bận tâm bức tranh của mình có đẹp, có mang tính nghệ thuật không. Hiếu chỉ vẽ những gì mình thấy thích một cách giản đơn, không màu mè.

Cũng giống như Trung Hiếu, nhiều em nhỏ tự kỷ cũng biểu đạt thế giới của mình qua tranh vẽ. Đó là Hà Đình Chí (10 tuổi), Nguyễn Gia Bảo (12 tuổi), Phạm Bình Minh (11 tuổi), Trịnh Hoàng Minh (13 tuổi).

Những bức tranh của năm tác giải nhí hiện đang được giới thiệu tới công chúng Thủ đô tại triển lãm mang tên “Khác biệt và Tương lai.” Chương trình đã chính thức khai mạc tối qua (26/5) và sẽ kéo dài tới hết 31/5 tại Laca Art Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội).

“Ở mỗi bức tranh, tôi đều thấy được sự trong sáng, vui vẻ - điều mà những người bình thường đang có một cuộc sống hạnh phúc chưa chắc đã vẽ, truyền tải được. Tôi tin, khi xem tranh, các bạn sẽ thấy các em cũng là những người có một trái tim nhạy cảm, một tâm hồn đẹp dù không có được cách giao tiếp thường thấy ở những trẻ em bình thường khác,” họa sỹ Lê Thiết Cương - giám tuyển của triển lãm bày tỏ.

Câu chuyện “Khác biệt và Tương lai” của trẻ tự kỷ qua tranh ảnh 2Bức tranh "Cảm hứng tranh Đông Hồ" của Nguyễn Gia Bảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đó là hình dung về biển cả bao la với những mảng màu tươi sáng, là sự hứng thú được gợi ra từ tranh dân gian Đông Hồ để vẽ lại theo cảm nhận của riêng mình, là niềm vui được dạo chơi quanh khu vườn phủ bóng cây xanh…

Nơi gặp gỡ của những tấm lòng

Nói về tên gọi của cuộc triển lãm lần này, họa sỹ Lê Thiết Cương bảo: “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là hồi chuông góp phần đánh thức cộng đồng: hãy quan tâm hơn đến người tự kỷ, đến những sự khác biệt trong những con người khác biệt. Trẻ tự kỷ có thể bị khuyết mặt này nhưng sẽ có nhiều điểm đặc biệt ở những mặt khác;  từ đó truyền đi thông điệp ‘Nâng đỡ sự khác biệt, tạo tương lai cho người tự kỷ’.”

Chúng tôi cũng mong muốn rằng, sẽ có một ngôi trường, một không gian dành cho những trẻ tự kỷ để các em có thể được học, sinh hoạt trong môi trường chung của mình. Những ngôi trường, mô hình như thế này trên thế giới đã có từ rất lâu, gánh nặng của các gia đình được san sẻ và các em được thấu hiểu, được cộng đồng gần gũi yêu thương. 

Có cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Trẻ tự kỷ Hà Nội Nguyễn Mai Anh cho rằng, cũng như những đứa trẻ bình thường, trẻ tự kỷ có những tiềm năng riêng, những nhu cầu căn bản và cả mưu cầu hạnh phúc. Trẻ tự kỷ cần sự nâng đỡ và dìu dắt từ cộng đồng.

“Trẻ tự kỷ rất khó để hòa nhập với thế giới xung quanh. Thay vì thế, cộng đồng hãy mở rộng vòng tay với các em. Chúng tôi hy vọng hoạt động sẽ góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ theo hướng tích cực,” bà Nguyễn Mai Anh bày tỏ.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, bà cho rằng, nếu cha mẹ có con tự kỷ không đưa con ra xã hội để thấy sự khác biệt của con thì sẽ không phát huy được những tiềm năng của trẻ. Phụ huynh cần gắn sự khác biệt đó vào trong một chuỗi giá trị của cuộc sống để các em có thể làm ra những sản phẩm hữu ích.

Câu chuyện của Trung Hiếu là một ví dụ tiêu biểu. Tuy không thể giao tiếp như trẻ em bình thường nhưng ngoài khả năng vẽ, Hiếu còn có thể đan lát đồ thủ công và chơi được khoảng năm loại nhạc cụ.

Câu chuyện “Khác biệt và Tương lai” của trẻ tự kỷ qua tranh ảnh 3"Dê và bò" qua hình dung của Phạm Bình Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bởi vậy, triển lãm không chỉ nhằm giới thiệu giá trị và năng lực của người tự kỷ thông qua các sản phẩm nghệ thuật mà còn nhằm định hướng giáo dục và việc làm tương lai cho nhóm trẻ tự kỷ có năng khiếu nghệ thuật; truyền cảm hứng cho các gia đình có con tự kỷ, khuyến khích chú ý tạo cơ hội và phát huy năng lực của trẻ tự kỷ.

“Thông qua sự kiện, chúng tôi muốn kết nối với các nhà thiết kế, doanh nghiệp để giới thiệu những sản phẩm độc đáo của các em. Tôi tin rằng, những sản phẩm này hoàn toàn có thể được in trên các sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm hay sử dụng vào các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng khác,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Trao đổi với báo chí trước giờ khai mạc triển lãm, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Luật Người Khuyết tật và Luật này đã đi vào cuộc sống. Những chính sách được quy định trong Luật đã tạo những cơ hội tốt hơn cho người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề xã hội còn phải quan tâm, đặc biệt là đối với trẻ tự kỷ.

“Đây không phải là vấn đề mới với thế giới nhưng đối với Việt Nam, chúng ta còn đang đi những bước đi ban đầu. Đối với người khuyết tật, tự kỷ, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là làm sao để họ hòa nhập cuộc sống. Tôi sẽ trao đổi với Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về vấn đề này để phân loại, xác định các nhóm, dạng bệnh tự kỷ; từ đó có những chính sách hỗ trợ người tự kỷ,” bà Trương Thị Mai khẳng định.

Triển lãm “Khác biệt và Tương lai” cũng nhằm hưởng ứng chủ đề “Nhận thức Chứng Tự kỷ năm 2015: Việc làm-Thế mạnh của người tự kỷ” do Liên hợp quốc phát động và sáng kiến ở Việt Nam do họa sỹ Lê Thiết Cương cùng với ca sỹ, đại sứ thiện chí của trẻ tự kỷ Hà Linh khởi xướng./.


Trong buổi khai mạc triển lãm, quỹ “Nghệ thuật và Tự kỷ” đã chính thức ra mắt. Thông qua việc bán đấu giá các sản phẩm của trẻ tự kỷ và kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, quỹ hướng tới các mục đích cơ bản:

1/ Xây dựng trang thông tin trực tuyến giới thiệu sản phẩm, tác phẩm năng lực khác biệt liên quan đến nghệ thuật của người tự kỷ; làm cầu nối giới thiệu tới cộng đồng.
2/ Tổ chức hội thảo hướng nghiệp, hỗ trợ người tự kỷ hướng tới khả năng sống độc lập.
3/ Nghiên cứu và làm các sản phẩm ứng dụng đóng góp cho cộng đồng với sự tham gia của người tự kỷ, gắn kết vào chuỗi giá trị xã hội chung.
4/ Vận động tổ chức triển lãm sản phẩm ứng dụng và tác phẩm của người tự kỷ toàn quốc vào năm 2016.

Thông tin chi tiết liên hệ bà Nguyễn Thị  Mai Anh Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Trẻ tự kỷ Hà Nội - điện thoại: 0915 36 93 69.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục