Sáng 20/4, ba nữ chiến sỹ 'mũ nồi xanh' từng làm nhiệm vụ tại châu Phi đã xuất hiện trong buổi trao tặng hiện vật của những cô gái Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Qua công tác chủ động sưu tầm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có được 77 tài liệu hiện vật, trong đó có 56 hiện vật, 1 clip và 25 ảnh từ 5 nữ chiến sỹ đã tham gia công tác tại các Phái bộ Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Nam Sudan và Trung Phi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các chị là năm trong số nhiều nữ quân nhân đã đóng góp cho bảo tàng không chỉ những hiện vật có thể cầm, nắm, nhìn thấy và trưng bày; mà còn cả những câu chuyện xúc động phía sau mà ở đó ánh lên nhiều phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, yêu chuộng hòa bình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Một trong những câu chuyện đáng nhớ phải kể tới Trung tá Nguyễn Thị Liên - Phó chủ nhiệm khoa khoa học cơ bản, Trường Sỹ quan Đặc Công và chiếc máy khâu 'cứu cánh' giữa mùa COVID-19 năm 2020. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đây là chiếc máy khâu hiệu Singer đã cùng Trung tá Nguyễn Thị Liên làm ra 800 chiếc khẩu trang, tận dụng từ vải quần áo để kịp thời phát miễn phí cho toàn bộ nhân viên Sở chỉ huy các Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Trung Phi và một số người dân ở Thủ đô Bangui - chỉ vài ngày trước khi chính quyền nước này ra quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nghĩa cử của chị đã được Trung tướng Daniel Traore (Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA) trao tặng giấy khen. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Có những hiện vật cũng là kỷ vật, gắn liền với sự hy sinh của những chiến sỹ Việt Nam tại phương xa. Đó là câu chuyện về cố Trung tá Đỗ Anh, người đã hy sinh ngày 6/1/2022 trong một nhiệm vụ tại Trung Phi. Trong hình là ảnh tư liệu ghi lại khoảnh khắc đồng đội tiễn biệt chị. (Ảnh tư liệu)
Chiếc đèn sạc mà Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh (Trợ lý phòng Công tác Địa bàn, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam) đang cầm chính là vật kỷ niệm mà chị được Trung tá Đỗ Anh để lại. Chia sẻ tại buổi tiếp nhận, Thiếu tá Mỹ Hạnh cho biết bản thân từng đắn đo rất nhiều vì muốn giữ lại chiếc đèn cho bản thân, về sau mới đồng thuận để trao lại hiện vật cho bảo tàng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các nữ chiến sỹ 'mũ nồi xanh' bước vào chiến trường gian khó cũng là tạm gác sang một bên những nỗi nhớ gia đình, con cái. Chiếc gối trong hình là món đồ mà con trai 5 tuổi của Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh vừa khóc vừa tặng mẹ tại sân bay, được chị mang theo suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ tại Trung Phi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các nữ chiến sỹ khi sinh sống và làm việc tại châu Phi luôn tìm cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với trẻ em, phụ nữ tại đây. Trong ký ức của các chị, dù sống trên những vùng đấy còn nhiều xung đột, hiểm nguy và khó khăn, thiếu thốn, trẻ em vẫn giữ được sự hồn nhiên và trong sáng của chúng. (Ảnh tư liệu)
Bức tranh hoa ép khô được đóng khung trong hình là món quà do các em nhỏ tặng các cô quân nhân Đỗ Thị Hằng Nga (Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 4 Việt Nam, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam) để bày tỏ sự quý mến. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những hiện vật mà Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga trao tặng cho bảo tàng cũng có con thú bông do hai con trai chị tặng để mang theo. Những món quà bên cạnh là của vùng đất châu Phi, gồm cuốn sách, hoa tai, móc khóa... do bạn bè, đồng nghiệp tại đây tặng, một số là đồ thủ công do chính các em nhỏ làm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đây chỉ là một trong số ít những hiện vật mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận và hiện sẽ chưa được đưa ra trưng bày. Trong tương lai, bảo tàng sẽ tiếp tục kết nối để có thêm nhiều hiện vật cũng như những dịp chia sẻ trực tiếp với công chúng để có thể truyền tải đầy đủ những câu chuyện, cảm xúc đáng trân trọng của các nữ quân nhân 'mũ nồi xanh.' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
(Vietnam+)