Chặn ‘ma men’ gây tai nạn: Kiểm soát tiếp cận rượu bia mới là gốc

Nhà nước cần thực hiện những giải pháp mang tính nền tảng, toàn diện để kiểm soát tác hại của rượu bia trong xã hội mới mong giảm thiểu tai nạn giao thông do “ma men” gây ra.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhấn mạnh việc tuyên truyền và tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn chỉ là những giải pháp mang tính phần ngọn, đại diện cơ quan chức năng cho rằng, Nhà nước cần có các công cụ kiểm soát việc tiếp cận rượu bia. Đây mới là giải pháp căn cơ và toạn diện để giảm thiểu những “ma men” gây tai nạn giao thông.

Bất cập người gây tai nạn chậm đến trình diện

Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đã uống rượu bia-Không lái xe” do báo An ninh Thủ đô tổ chức vào chiều ngày 13/5, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, tỷ lệ lái xe bị phạt vi phạm nồng độ cồn trong tổng số các trường hợp bị xử phạt vi phạm giao thông chiếm khoảng 2-3%.

Qua phân tích cho thấy, hiện nay, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam. Ngoài ra, số người bị phạt còn khá khiêm tốn nếu so với tỷ lệ những người nhập viện do tai nạn giao thông có liên quan đến nồng độ cồn vào ngày thường khoảng 36%, trong các dịp lễ Tết cao điểm có thể lên tới 60%.

[42% số người gây tai nạn nói họ tỉnh táo lái xe sau khi uống rượu]

Nhấn mạnh công tác tuyên truyền và xử phạt luôn luôn phải đi cùng với nhau, ông Minh cho rằng, hình thức kiểm tra xử phạt tùy theo kế hoạch của cơ quan chức năng có thể cố định hoặc di động nhưng quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo tính đột xuất, ngẫu nhiên cũng như thường xuyên, liên tục.

“Thậm chí, trên một trục đường chính trong một tháng chỉ cần làm 2 tuần và trong một tuần chỉ cần làm 2 ngày. Trong 2 ngày này, lực lượng chức năng chỉ cần làm trong khung giờ ngẫu nhiên để từng người dân nhận thức được ra họ có thể bị kiểm tra và xử phạt bất kỳ lúc nào. Lúc đó, ý thức của người dân sẽ thay đổi rất nhiều,” ông Minh nói.

Bổ sung thêm, Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, Phòng đã bố trí 32 tổ công tác tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Tổ công tác có thể kiểm tra bất kỳ phương tiện nào trên tuyến trong thời gian 24 giờ.

“Đối với các vi phạm liên quan đến sử dụng rượu bia và chất kích thích, lực lượng Cảnh sát giao thông luôn chủ động trấn áp, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan Công an đề nghị mọi người dân khi tham gia giao thông và khi dừng xe để kiểm tra thì chấp hành nghiêm, hợp tác để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ,” Đại úy Long chia sẻ.

Liên quan đến quy định mà lái xe gây tai nạn được rời khỏi hiện trường, theo ông Minh, về nguyên tắc người liên quan đến tai nạn đều phải có mặt tại hiện trường hợp tác đầy đủ và nhanh nhất với cơ quan chức năng để giải quyết vụ tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đưa ra luận điểm, trong Luật Giao thông đường bộ có quy định một điều khoản cho phép người có liên quan rời khỏi hiện trường nhưng phải trình báo cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất và đây là bất cập lớn cần phải sửa đổi trong thời gian tới.

Lý giải thêm, người gây tai nạn lo sợ bị những người dân khác có thể hành hung, uy hiếp đến tính mạng và yếu tố cấu thành tội phạm có thể thay đổi, đặc biệt trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn thì sau một thời gian mức độ nồng độ cồn sẽ thay đổi rất nhiều, thậm chí không còn.

Bởi vậy, ông cho rằng, cơ quan chức năng bổ sung các quy định để nghiêm cấm việc gây sức ép, hành hung với người gây tai nạn để đảm bảo họ có mặt tại hiện trường và hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng là điều quan trọng và cần thiết.

Kiểm soát tiếp cận rượu bia mới là gốc

Đề cập đến việc tăng chế tài với vi phạm nồng độ cồn ở lái xe, chủ doanh nghiệp là hết sức cần thiết, theo ông Minh, khi lái xe kinh doanh vận tải vi phạm nghiêm trọng thì đương nhiên doanh nghiệp và chủ phương tiện cũng phải liên đới chịu trách nhiệm vì đã buông lỏng quy trình quản lý an toàn giao thông.

“Với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì không chỉ xử lý về hành chính mà hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý về mặt hình sự. Với mức vi phạm thấp hơn, ngoài xử lý hành chính, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể cân nhắc các hình phạt bổ sung, trong đó có xử lý tái phạm; hoặc là giáo dục (lao động công ích hoặc học thi lại bằng lái; nâng cao mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự). Tất cả những lựa chọn này đang được chuyển tới các cơ quan chức năng để có nghiên cứu trong thời gian tới,” ông Minh nói.

[Bộ GTVT nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với tài xế uống rượu bia]

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần có một hệ dữ liệu để quản lý vi phạm và xử phạt lũy tiến đối với sai phạm. Nếu làm được việc này, chắc chắn là nhận thức và hành vi của doanh nghiệp cũng như lái xe sẽ thay đổi một cách toàn diện.

Thừa nhận việc tuyên truyền và xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe chỉ là những giải pháp mang tính phần ngọn, ông Minh cho rằng, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp mang tính nền tảng, toàn diện để kiểm soát tác hại của rượu bia trong xã hội (bao gồm kiểm soát sự sẵn có, kiểm soát khả năng tiếp cận của từng nhóm dân cư...). Đây chính là những nội dung cơ bản ở trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia sắp được trình Quốc hội.

Theo ông Minh, phần lớn người dân không muốn thực hiện hành vi vi phạm uống rượu bia sau đó lái xe. Họ thực hiện hành vi này như một sự đã rồi. Sau khi uống rượu bia xong, thấy rằng trong nhiều trường hợp thì phương tiện cơ giới cá nhân là phương tiện duy nhất. Bởi vậy, chúng ta phải kiên trì và nhanh chóng phát triển hệ thống vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới trong đó có đi xe đạp và đi bộ.

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương Đại học Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, ở Việt Nam, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe phổ biến hơn rất nhiều so với ma túy nên cần sớm có biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn.

“Bên cạnh đó, thời gian gần đây việc sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác của lái xe cũng cần được các cơ quan chức năng có những hành động kịp thời với những biện pháp mạnh mẽ để loại trừ nguy cơ này,” ông Cường khuyến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục