Chặng đường dài của Philippines trong việc hiện đại hóa hải quân

Kể từ khi giành độc lập, Philippines phụ thuộc rất nhiều vào các tàu chiến cũ - chủ yếu từ Mỹ. Nhưng chiến lược này đã được chứng minh là thiếu sót.
Chặng đường dài của Philippines trong việc hiện đại hóa hải quân ảnh 1(Nguồn: Hải quân Philippines)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin việc đưa vào sử dụng hai tàu khu trục lớp Jose Rizal sắp tới là chưa từng có đối với Philippines.

Kể từ khi giành độc lập, Philippines phụ thuộc rất nhiều vào các tàu chiến cũ - chủ yếu từ Mỹ. Nhưng chiến lược này đã được chứng minh là thiếu sót.

Các tàu chiến của Philippines hiện nay đã lỗi thời về công nghệ với tuổi thọ hạn chế. Các tàu chiến của Hải quân Mỹ thường không phù hợp với mục đích của Hải quân Philippines.

Các tàu tuần tra lớp Hamilton của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ là những chiếc tàu tốt nhất được cung cấp cho Manila trong thập kỷ qua và đã giúp tăng cường năng lực hải quân của nước này.

[Hải quân Philippines sở hữu tàu chiến trang bị tên lửa đầu tiên]

Philippines đã tiến hành nhiều hoạt động hải quân hơn bao giờ hết, bao gồm các cuộc tập trận chung và sơ tán công dân.

Song những chiếc tàu già cỗi này không được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa quân sự hiện nay từ trên không, trên mặt nước hoặc dưới nước.

Với sức ép chiến lược ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, các nhà hoạch định quốc phòng ở Manila đã tiến hành đợt mua sắm đầu tiên 2 chiếc tàu khu trục lớp Jose Rizal hiện đại, do Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc đóng.

Mặc dù 2 tàu khu trục này thua xa hạm đội của Trung Quốc trong khu vực, nhưng chúng có lợi thế về mặt chiến thuật và chiến lược.

Về mặt chiến lược, với sự phụ thuộc an ninh kéo dài hàng thế kỷ vào Mỹ, Philippines đã tụt hậu trong việc xây dựng năng lực hải quân của chính mình.

Các tàu khu trục này có năng lực lớn hơn so với các tàu lớp Hamilton trước đây và có thể thực hiện các cuộc tập trận xa bờ, như triển khai Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp 151 để chống cướp biển hoặc các hoạt động liên minh khác.

Hai tàu khu trục này cũng có thể tham gia chiến đấu nếu cần thiết. Việc mở rộng năng lực hải quân bằng ngân sách của chính mình cũng có thể củng cố quan hệ của Manila với Mỹ và các quốc gia khác.

Song chính sách ngoại giao phòng thủ không bị giới hạn đối với các sự kiện do Mỹ dẫn đầu, và bao gồm cả các sự kiện quốc tế khác có lợi cho lợi ích quốc gia của Philippines.

Về mặt chiến thuật, 2 tàu khu trục này có khả năng hoạt động linh hoạt. Hải quân Philippines hiện đang hoạt động mà không có những vũ khí hiện đại - kể cả tên lửa hay ngư lôi - và không thể xử lý bất kỳ kịch bản nào trên biển ngoài việc đụng độ và phun vòi rồng. Đây là những chiến thuật chung ở cấp độ giao tranh.

Bắc Kinh vì thế có thể sử dụng một sự leo thang hoặc một mối đe dọa leo thang để ép Manila trong một cuộc đối đầu. Với các tàu chiến có năng lực hơn, Philippines có thể có nhiều lựa chọn hơn là chỉ tránh leo thang.

Năng lực giám sát được cải thiện sẽ đánh giá tình hình tốt hơn bên cạnh một cơ chế ngăn chặn leo thang. Do đó, Bắc Kinh sẽ cần nhiều tài sản hơn cho cái gọi là “các chiến dịch vùng xám” của mình.

Philippines cuối cùng sẽ có khả năng truy tìm tàu ngầm tốt hơn, bao gồm cả những chiếc trực thăng chống ngầm AW-159 đậu trên boong tàu khu trục.

Hơn nữa, 2 tàu khu trục này sẽ tạo ra một đội ngũ sỹ quan, thủy thủ, thợ máy tài năng có khả năng sử dụng thành thạo và quản lý các công nghệ hải quân hiện đại. Họ có thể sẽ tiếp nhận một hạm đội hải quân lớn hơn và tiên tiến hơn trong tương lai.

Nhưng 2 tàu khu trục này vẫn chưa có năng lực toàn diện bởi chúng không được trang bị một số hệ thống vũ khí cần thiết như hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS), hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) và một hệ thống cảm biến thủy âm.

Vì cả CIWS và VLS đều rất quan trọng cho việc đánh chặn các tên lửa chống hạm, sự thiếu vắng chúng khiến hệ thống phòng không của 2 tàu khu trục này chỉ được trang bị pháo hải quân 76mm và tên lửa đất đối không Mistral.

Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không yếu có nghĩa là khả năng sống sót thấp hơn trong các tình huống chiến tranh hải quân thông thường.

Những tàu khu trục này có thể không có nhiều khả năng leo thang trong một cuộc đối đầu với các tàu chiến Trung Quốc và vì thế các lựa chọn chiến lược của Manila vẫn là tương đối hạn hẹp.

Do hệ thống cảm biến thủy âm là rất quan trọng đối với một trận chiến trên biển để truy tìm và theo dõi tàu ngầm nên khả năng giám sát dưới mặt nước của 2 chiếc tàu khu trục này cũng bị hạn chế.

Các tàu khu trục lớp Jose Rizal được trang bị đầy đủ có thể sở hữu khả năng tương tự như các dự án tàu khu trục khác ở Đông Nam Á, chẳng hạn như tàu khu trục lớp Bhumibol Adulyadej của Thái Lan và tàu khu trục lớp Maharaja Lela của Malaysia.

Song với việc thiếu những hệ thống vũ khí quan trọng, năng lực của các tàu khu trục Philippines còn kém so với năng lực hải quân của các đối tác khu vực.

Việc đưa vào sử dụng tàu khu trục lớp Jose Rizal là một cột mốc quan trọng đối với Philippines trên hành trình hướng tới sự độc lập trong phòng thủ hải quân, đặc biệt sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Mỹ.

Nhưng sau khi đưa 2 tàu khu trục này vào sử dụng, vẫn còn có những thách thức đối với Manila trong phòng thủ hải quân. Chính phủ Philippines phải xem xét sớm hoàn thành việc lắp đặt những vũ khí thiết yếu đó.

Các nhà hoạch định quốc phòng phải tối đa hóa giá trị chiến lược của 2 tàu khu trục này bằng việc triển khai hợp lý.

Làm chủ công nghệ và hoạt động của các tàu chiến này cũng sẽ là rất quan trọng. Vấn đề này sẽ đặt ra những thách thức cho cả quốc phòng và ngoại giao.

Một kế hoạch hiện đại hóa hải quân toàn diện để mở rộng năng lực vượt ra ngoài 2 tàu khu trục lớp Jose Rizal là rất quan trọng.

Dự án chế tạo thêm nhiều tàu hộ tống sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu dài hạn của việc phát triển một hải quân hiện đại.

Nhưng hành trình của Philippines để đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng lãnh hải rộng lớn của mình sẽ là một chặng đường rất dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục