Châu Á và châu Phi dẫn đầu về tăng dân số đô thị

Châu Á và châu Phi được dự báo chiếm 86% mức tăng dân số đô thị toàn cầu, dẫn đầu về tăng dân số đô thị trong 4 thập kỷ tới.
Ngày 5/4, Liên hợp quốc công bố nghiên cứu về triển vọng đô thị hóa toàn cầu năm 2011, trong đó dự báo châu Á và châu Phi chiếm tới 86% mức tăng dân số đô thị toàn cầu, dẫn đầu thế giới về tăng dân số đô thị trong 4 thập kỷ tới.

Dân số đô thị châu Á sẽ tăng từ 1,9 tỷ người năm 2011 lên 3,3 tỷ người năm 2050, dân số đô thị châu Phi sẽ tăng từ 414 triệu người lên 1,2 tỷ người trong cùng thời gian này.

Liên hợp quốc nhấn mạnh tốc độ tăng chưa từng thấy dân số đô thị sẽ mở ra các cơ hội mới cải thiện các dịch vụ công và giáo dục của châu Phi và châu Á, do các dịch vụ dễ tiếp cận hơn khi dân số sống tập trung hơn. Tuy nhiên, dân số đô thị tăng nhanh cũng tạo ra các thách thức mới về cung cấp việc làm, nhà ở, năng lượng và cơ sở hạ tầng, sự mở rộng các khu ổ chuột và môi trường đô thị ngày càng tồi tệ hơn.

Theo nghiên cứu, các nước có dân số đô thị tăng lớn nhất trong 4 thập kỷ tới là Ấn Độ, Trung Quốc, Nigeria, Mỹ và Indonesia. Trong 4 thập kỷ từ 2010 đến 2050, dân số đô thị ở Ấn Độ sẽ tăng thêm 497 triệu người, Trung Quốc - 341 triệu, Nigeria - 200 triệu, Mỹ - 103 triệu và Indonesia thêm 92 triệu người.

Tốc độ tăng dân số đô thị ở các nước này trong 40 năm tới cao hơn rất nhiều so với 40 năm vừa qua (1970-2010), đặc biệt là ở Nigeria, trong 40 năm qua chỉ tăng 67 triệu, nhưng 40 năm tới sẽ tăng thêm tới 200 triệu người.

Với hơn 50% dân số thế giới hiện đang sống ở các đô thị, đô thị hóa là vấn đề trung tâm của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20). Mặc dù các đô thị thực sự là động lực kinh tế toàn cầu và là trung tâm đổi mới và đi đầu thực hiện các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, nhưng các đô thị hiện đang bị tác động trực tiếp nhất của hiện trạng di cư, toàn cầu hóa, phát triển kinh tế, bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Rio+20, Sha Zukang, lưu ý rằng việc Liên hợp quốc công bố nghiên cứu tăng dân số đô thị vào thời điểm hiện nay trùng vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới cùng quan chức các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ tập hợp tại Hội nghị Rio+20 để thảo luận các biện pháp giảm đói nghèo, tăng cường bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường hành tinh hiện đã trở nên quá đông đúc, đồng thời cũng hoạch định các chương trình hành động phát triển các đô thị bền vững cho tương lai mà nhân loại mơ ước.

Phiên bản 2011 của Triển vọng đô thị hóa thế giới được hoàn thành với sự phối hợp của tất cả các thành phố có trên 750.000 dân khắp thế giới, giúp các nhà nghiên cứu có thể gắn các đánh giá và dự báo dân số ở các siêu đô thị với các đặc thù môi trường khác nhau./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục