Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến nhiều thay đổi trong năm 2015

Năm 2015 đánh dấu những thành công nổi bật trong hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một loạt hiệp định thương mại đa phương ra đời.
Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến nhiều thay đổi trong năm 2015 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: maxon.net)

Năm 2015 đánh dấu những thành công nổi bật trong hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương với một loạt hiệp định thương mại đa phương ra đời.

Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế khu vực, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lần lượt được hình thành sau tiến trình chuẩn bị và đàm phán đầy chông gai.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đang trong giai đoạn nước rút, hứa hẹn sẽ đi đến đích cuối cùng vào năm tới.

AEC được đề cập nhiều nhất bởi đây là một trong ba trụ cột chính trong Cộng đồng ASEAN và được coi là động lực thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực.

Sự ra đời của AEC nhằm mục đích tạo dựng một khối cộng đồng chung thịnh vượng, ổn định, có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được lưu chuyển tự do, vốn được lưu chuyển thông thoáng hơn, kinh tế phát triển đồng đều, giảm nghèo đói, thu hẹp khoảng cách chênh lệch kinh tế-xã hội.

Nội dung của AEC được cụ thể hóa trong bốn trụ cột sau: một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, sự phát triển kinh tế công bằng và sự hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Sau khi chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015, AEC sẽ là môi trường tương tác giúp kinh tế các nước thành viên tăng trưởng nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển.

Ước tính, những tiêu chuẩn được thực thi đầy đủ dựa trên các điều khoản của AEC có thể giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN tăng 7% vào năm 2025.

Cơ chế hoạt động của AEC là các thỏa thuận và hiệp định nội khối, tạo ra nền tảng giúp 10 nước thành viên ASEAN thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Cho tới nay, thành tựu quan trọng nhất trong quá trình xây dựng AEC là việc giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0-5% từ năm 2010 đối với sáu nước thành viên ban đầu (Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore, Thái Lan) và từ năm 2015 với bốn quốc gia thành viên gia nhập sau (Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam).

Kết quả này sẽ mở ra một thị trường tự do không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng chủ trương đẩy mạnh triển khai các hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với sáu đối tác lớn ngoài ASEAN, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zeland và Liên minh châu Âu (EU).

Trong thời gian tới, ASEAN sẽ tích cực hướng tới xây dựng RCEP, nỗ lực hoàn tất vào năm 2016.

Một thành công khác trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế năm qua tại châu Á-Thái Bình Dương là việc 12 nước tham gia đàm phán TPP (gồm Mỹ, New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản) đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, ngày 5/10/2015, bộ trưởng của 12 nước tham gia đàm phán đã tháo được nút thắt cuối cùng tại hội nghị ở thành phố Atlanta (Mỹ).

Đây là thành quả của một quá trình chông gai kéo dài hơn năm năm nhằm cho ra đời một FTA thế hệ mới được kỳ vọng có chất lượng cao và toàn diện.

TPP là hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác.

Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Tương tự như các FTA khác là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, TPP còn đặt ra các tiêu chuẩn cao, lĩnh vực đàm phán mở rộng sang nhiều ngành nghề và lộ trình thực thi ngắn hơn.

Ngoài ra, TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, chi tiêu của chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng.

Yếu tố mới của TPP còn thể hiện ở cơ chế mở, cả về số lượng thành viên lẫn lĩnh vực đàm phán được điều chỉnh cả sau khi hiệp định có hiệu lực.

TPP được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho tất cả thành viên tham gia, trong đó những nền kinh tế nhỏ được hưởng lợi nhiều không kém các cường quốc.

Sau khi hoàn tất, để TPP có hiệu lực còn cần có sự thông qua của quốc hội 12 nước tham gia.

Nếu như TPP nổi lên như một hiệp định thương mại của thế kỷ, RCEP- hiện đang trong tiến trình đàm phán và nhiều khả năng đạt thỏa thuận cuối cùng vào năm 2016- được coi là một đối trọng với TPP.

Đàm phán RCEP được khởi động từ tháng 11/2012 tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Nếu được ký kết, hiệp định này sẽ tạo nên khối kinh tế vững mạnh với dân số 3,5 tỷ người và kim ngạch thương mại ước tính khoảng 10,7 tỷ USD, chiếm gần 30% thương mại toàn cầu.

Ngân hàng châu Á (ADB) ước tính đến năm 2025, RCEP sẽ giúp kinh tế khu vực tăng thêm khoảng 645 tỷ USD nhờ các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động.

TPP và RCEP cùng chia sẻ mục tiêu mở rộng thị trường và tạo thuận lợi trao đổi hàng hóa, nhưng cũng theo đuổi những mục đích riêng.

Trong khi RCEP nhấn mạnh phát triển kinh tế, TPP lại chú trọng tự do hóa thị trường và loại bỏ rào cản thương mại; TPP được chuẩn hóa, còn RCEP cho phép sự linh hoạt,...

Tuy nhiên, đây đều là những tiến trình quan trọng nhằm đặt nền tảng cho Hiệp định thương mại tự do toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Những cạnh tranh trong thương mại là không thể tránh khỏi, song các hiệp định thương mại như TPP, RCEP hay AEC đều hướng tới mục đích chung là mở rộng thị trường, thúc đẩy nền kinh tế khu vực và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.

Nếu như các nước, đặc biệt là các nước ASEAN, tận dụng được những lợi thế, khắc phục những hạn chế và cân bằng lợi ích, chắc chắn kinh tế của khu vực sẽ ngày càng hội nhập sâu hơn và hiệu quả hơn với kinh tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục