Châu Âu: 1.200 trẻ em và thanh thiếu niên tử vong mỗi năm do ô nhiễm

Ô nhiễm không khí gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính sau này trong cuộc đời.
Châu Âu: 1.200 trẻ em và thanh thiếu niên tử vong mỗi năm do ô nhiễm ảnh 1Khói thải bốc lên từ khu công nghiệp hóa chất ở Algeciras, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ô nhiễm không khí vẫn gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính sau này trong cuộc đời.

Đây là kết luận sau một nghiên cứu tại hơn 30 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), của Cơ quan Mội trường của Liên minh châu Âu (EEA).

Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng

Bụi mịn, hay PM2.5, là các hạt vật chất mịn, thường xuất hiện trong khí thải ôtô, nhà máy nhiệt điện than. Với kích thước siêu nhỏ, các hạt này có thể xâm nhập vào đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi.

EEA nêu rõ bất chấp những tiến bộ gần đây, mức độ các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc biệt tại khu vực Trung-Đông Âu và Italy.

Vào tháng 11 năm ngoái, EEA cho biết 238.000 người đã tử vong sớm trong năm 2020 tại EU, Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.

[Hàng triệu người ở Thái Lan cần hỗ trợ y tế vì ô nhiễm không khí]

Báo cáo nhấn mạnh mặc dù số ca tử vong sớm ở nhóm tuổi này tương đối thấp so với tổng dân số trên toàn "Lục địa Già" theo ước tính hằng năm của EEA, nhưng số ca tử vong sớm phản ánh mất mát tiềm tàng trong tương lai, đồng thời tạo gánh nặng đáng kể liên quan các bệnh mãn tính ngay cả ở thời thơ ấu cũng như những giai đoạn sau đó của cuộc đời.

Báo cáo cũng lưu ý rằng sau khi trẻ chào đời, tình trạng ô nhiễm không khí xung quanh làm tăng nguy cơ gặp một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có hen suyễn, suy giảm chức năng phổi, mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng.

Chất lượng không khí kém cũng có thể làm trầm trọng hơn các bệnh mãn tính như hen suyễn - căn bệnh mà 9% trẻ em và thanh thiếu niên tại châu Âu mắc phải - cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau tuổi trưởng thành.

Theo WHO, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới, ngang với con số tử vong vì các nguyên nhân khác như hút thuốc hoặc chế độ ăn uống thiếu chất.

Hồi năm 2022, Liên hợp quốc cũng công bố báo cáo kêu gọi các nước châu Âu cần tham vọng hơn trong các mục tiêu khí hậu vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu lục vẫn tăng, các quốc gia phải thúc đẩy tái chế, siết chặt các quy định về chất lượng không khí và tăng chi tiêu cho bảo vệ môi trường.

Thắt chặt các quy định ngăn chặn ô nhiễm không khí

EEA kêu gọi giới chức các quốc gia tập trung cải thiện chất lượng không khí quanh các trường học, nhà trẻ cũng như các điểm giao thông vận tải lớn và các cơ sở tập luyện thể dục thể thao.

Ngày 26/10/2022, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề xuất thắt chặt cơ chế pháp lý đối với hành động gây ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe và những quy định buộc các công ty dược phẩm cũng như mỹ phẩm phải bỏ chi phí làm sạch nước thải gây ô nhiễm.

EC đề xuất 3 dự luật nhằm vào vấn đề ô nhiễm nước và không khí gây tổn hại cho môi trường và sức khỏe, trong đó có quy định đến năm 2030, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cần có những cơ chế pháp lý mới đối với hành động gây ô nhiễm không khí để đáp ứng những khuyến nghị nghiêm ngặt hơn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này.

Đề xuất của EC sẽ thiết lập những tiêu chuẩn về chất lượng không khí vào năm 2030, như giảm hơn 50% lượng bụi mịn, nhằm đạt được mục tiêu không ô nhiễm vào năm 2050.

Các quy định mới cũng sẽ đảm bảo rằng công dân EU có thể yêu cầu bồi thường nếu sức khỏe của họ bị ảnh hưởng do hành động vi phạm quy định về ô nhiễm không khí.

Một đề xuất khác là các công ty sẽ phải chịu trách nhiệm làm sạch nước thải nếu gây ô nhiễm không khí, động thái được cho là nhằm vào các công ty dược phẩm và mỹ phẩm.

Dự kiến, các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) sẽ thảo luận và thông qua các đề xuất này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục