Châu Âu bàn kế hoạch tái thiết khu vực Tây Balkan

Tại hội nghị của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, các đại biểu cho rằng ổn định và hợp tác khu vực là yếu tố quyết định thu hút đầu tư vào Tây Balkan.

Ngày 24/2, tại thủ đô London (Anh) đã diễn ra hội nghị của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) bàn về vấn đề đầu tư vào các quốc gia khu vực Tây Balkan. Hội nghị có sự tham dự của 7 Thủ tướng của các quốc gia Tây Balkan, các đại diện cộng đồng quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư tiềm năng.

Thảo luận về cơ hội hợp tác và quan hệ đối tác để tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư tại khu vực Tây Balkan, các đại biểu tham dự cho rằng ổn định và sự hợp tác khu vực là yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế cũng như thể hiện được vị thế là đích đến đầu tư của khu vực này.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Serbia Ivica Dacic trình bày những kết quả mà Serbia đạt được trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư. Ông Dacic cho rằng nếu không có sự ổn định trong khu vực thì không một mục tiêu nào có thể đạt được.

Khẳng định tầm quan trọng về mối quan hệ hợp tác láng giềng tốt đẹp, Thủ tướng Serbia nhấn mạnh rằng các quốc gia khu vực cần tổ chức tốt hơn để theo đuổi những lợi ích chung.

Cũng tại hội nghị, Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng của Liên minh châu Âu (EU) Stefan Fuele công bố một mô hình đầu tư mới được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua. Đây có thể coi là một cách tiếp cận mới để thu hút đầu tư vào các quốc gia phía Tây Balkan, giúp khu vực này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.

Ông Fuele cho rằng cách tiếp cận mới sẽ góp phần xây dựng sự hiểu biết chung giữa lãnh đạo các quốc gia khu vực và các nhà đầu tư tiềm năng về những ưu tiên đối với cải cách kinh tế.

Điều này có nghĩa là các quốc gia khu vực Tây Balkan, với sự giúp sức của các chuyên gia EC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EBRD, cần phải có kế hoạch hành động của riêng họ về cải cách kinh tế nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi.

Theo ông Fuele, những cải cách về tài chính công, thị trường lao động và giảm gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp cần có quyền ưu tiên. Những khoản đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề và nghiên cứu cũng cần được ưu tiên trong chương trình nghị sự.

Các quốc gia cũng sẽ được yêu cầu xây dựng kế hoạch hành động về quản lý tài chính công. Những tiến triển tại hội nghị sẽ mở ra khả năng hỗ trợ ngân sách theo chương trình xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) - IPAII.

Ngoài ra, ông Fuele kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào sự kiện này nêu ra các lĩnh vực mà họ muốn chính phủ phải tập trung, giúp môi trường đầu tư ở khu vực Tây Balkan hấp dẫn hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục