Châu Phi đã đi chệch hướng trong vấn đề chủ quyền kỹ thuật số?

Các nhà phân tích cho rằng nếu châu Phi muốn giành lại quyền kiểm soát nền kinh tế kỹ thuật số, các quốc gia cần phải suy nghĩ lại về các chính sách thuế và quy định của họ.
Châu Phi đã đi chệch hướng trong vấn đề chủ quyền kỹ thuật số? ảnh 1Tại một cửa hàng cung cấp dịch vụ viễn thông ở Kenya. (Nguồn: Reuters)

Trang The Africa Report mới đây đăng bài phân tích về yêu cầu đảm bảo chủ quyền kỹ thuật số tại châu Phi.

Theo tác giả bài viết, bằng cách mở cửa lĩnh vực viễn thông và Internet cho các nhà đầu tư tư nhân, các chính phủ châu Phi đã giúp các nhà đầu tư này chiếm ưu thế trên thị trường dữ liệu đầy hấp dẫn.

Các nhà phân tích cho rằng nếu châu Phi muốn giành lại quyền kiểm soát nền kinh tế kỹ thuật số, các quốc gia cần phải suy nghĩ lại về các chính sách thuế và quy định của họ.

Ông Amadou Diop, nhà sáng lập người Senegal của công ty chiến lược số MNS Consulting, đánh giá "châu Phi đã đi chệch hướng" trong vấn đề chủ quyền kỹ thuật số. MNS Consulting đã tập trung nghiên cứu về vấn đề này và chuyên gia Diop đã mô tả một bức tranh đáng báo động về những thiếu sót của châu Phi trên mặt trận kỹ thuật số.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu - như cáp ngầm, mạng cáp quang trên mặt đất và trung tâm dữ liệu - vốn cần thiết để đảm bảo kết nối của lục địa và sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số hoàn chỉnh đang thuộc sở hữu một phần hoặc toàn bộ của năm nhà khai thác viễn thông hàng đầu của châu Phi gồm MTN, Orange, Airtel, Vodacom và Etisalat.

Năm "gã khổng lồ" này chiếm 57% số lượng thuê bao của toàn châu Phi và ngoài MTN, không có hãng nào thuộc sở hữu hoàn toàn của châu Phi.

Các dự án sắp tới có sự tham gia của những chủ thể tiềm lực mạnh hơn, chẳng hạn như dải kết nối Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú người Mỹ Elon Musk và nhiều sáng kiến của Facebook trên khắp lục địa, bao gồm cả cáp quang biển 2Africa.

Chuyên gia Diop đánh giá châu Phi có thể đối mặt với nguy cơ các công ty đa quốc sẽ không còn cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước để khai thác cơ sở khách hàng ở bất kỳ địa điểm nào họ muốn.

Thành lập cơ quan đăng ký hộ tịch quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số

Câu hỏi đặt ra là các chính phủ châu Phi cần ưu tiên những biện pháp nào để ngăn chặn làn sóng suy giảm chủ quyền kỹ thuật số?

Chuyên gia Jean-Michel Huet của công ty tư vấn BearingPoint cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là nhận dạng kỹ thuật số và việc tạo ra các cơ quan đăng ký hộ tịch quốc gia. Một khía cạnh thiết yếu của chủ quyền quốc gia là nắm được thông tin cơ bản về công dân của mình.

[Đổ “núi” tiền vào châu Phi, Trung Quốc đang tìm kiếm lợi ích gì?]

Tuy nhiên, hiện tại ở một số quốc gia, các công ty GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft) đang sở hữu và quản lý danh tính kỹ thuật số của khách hàng tốt hơn so với cách các chính phủ quản lý thông tin công dân của họ.

Khi các chính phủ thu thập thông tin, chẳng hạn như dữ liệu về sức khỏe hoặc niềm tin tôn giáo của công dân, những thông tin này hiếm khi được lưu trữ trên các máy chủ đặt trong biên giới quốc gia.

Lacina Koné, Tổng Giám đốc của Smart Africa (liên minh đang hoạt động để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số ở châu Phi), cho biết thông thường, những dữ liệu nhạy cảm này thậm chí không được lưu trữ trên các máy chủ ở châu Phi mà thay vào đó là ở những nơi như Ireland.

Trong khi nhiều nhà cung cấp, bao gồm Huawei, Dell, Rack Center và Econet, cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu cho các tổ chức khu vực công, thì một số nước hiện chỉ có một trung tâm dữ liệu quốc gia. Châu Phi chỉ chiếm khoảng 1% số lượng trung tâm dữ liệu trên thế giới và chi phí lưu trữ thường cao hơn so với mức của các công ty châu Âu hoặc Mỹ.

Những con đường riêng

Philippe Wang, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng và truyền thông của Huawei tại Bắc Phi, cho rằng về mặt kỹ thuật, Huawei có thể xây dựng các trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu của các chính phủ.

Sau đó Huawei có thể chuyển giao các kiến thức để các cơ sở hạ tầng có thể hoạt động độc lập, đồng thời cơ sở hạ tầng có thể được điều chỉnh theo yêu cầu của bên mua. Nhưng hiện tại, Huawei có xu hướng làm việc với các nhà khai thác tư nhân hơn là các chính phủ.

Kể từ khi được thông qua vào năm 2014, Công ước của Liên minh châu Phi (AU) về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân (Công ước Malabo) mới chỉ được 12 quốc gia ký kết và chỉ có 6 nước phê chuẩn (Ghana, Guinea, Mauritius, Namibia, Rwanda và Senegal).

Các tổ chức khác đã chọn đi con đường riêng. Chẳng hạn, năm 2010, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã thông qua Đạo luật bổ sung về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong khi Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã thiết lập một luật mẫu để hài hòa các chính sách công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2012.

Ngoài ra, chính phủ các nước tại lục địa này đã thông qua một loạt sáng kiến.

Theo số liệu thống kê của Smart Africa, chỉ 55% quốc gia châu Phi đã ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết là tìm ra cách thức để thiết lập khuôn khổ hài hòa từ các văn bản pháp lý khác nhau, đồng thời tính đến các tiêu chuẩn công nghiệp và quốc tế.

Đó chính là mục tiêu mà Smart Africa và 35 quốc gia thành viên đang nỗ lực hướng tới, với dự thảo văn kiện sẽ sẵn sàng đệ trình lên Liên minh châu Phi (AU) vào tháng 12 tới.

Tổng Giám đốc của Smart Africa Lacina Koné đang đứng đầu nhóm công tác soạn thảo văn kiện trên với sự tham gia của một số công ty nước ngoài như Intel, Facebook, Huawei, Microsoft và Omidyar Network (công ty đầu tư của nhà sáng lập eBay, Pierre Omidyar).

Các đối tác châu Phi của nhóm công tác bao gồm 8 cơ quan quản lý nhà nước, các đại diện của Ủy ban AU và Mạng lưới các cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của châu Phi (RAPDP).

Chuyên gia Diop cho rằng chủ quyền kỹ thuật số nên được nhìn nhận từ góc độ chuỗi giá trị. Các nước nên thông qua cái gọi là Đạo luật kỹ thuật số, theo đó các công ty toàn cầu sẽ có nghĩa vụ tài trợ cho các khoản đầu tư vào khả năng lưu trữ dữ liệu của châu Phi.

Bên cạnh đó, các chính phủ nên hợp tác để tạo ra một môi trường mà người châu Phi có thể tham gia các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ kỹ thuật số.

Vai trò của các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) và các tổ chức đầu tư của nhà nước

Người đứng đầu của Smart Africa cho rằng châu Phi đang sở hữu các cơ chế để tăng cường vai trò của các SWF.

Các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ khu vực, cơ quan đầu tư nhà nước, ngân hàng khu vực và sàn giao dịch chứng khoán có thể đảm bảo cung cấp tài chính cho một số hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đối với những "gã khổng lồ" Internet, các chính phủ có thể tận dụng chính sách thuế như một biện pháp để nới lỏng sự kiểm soát của các "ông lớn" về kỹ thuật số đối với nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia.

Với 38 quốc gia thành viên, Diễn đàn Quản lý thuế châu Phi (ATAF) hiện đang làm việc cùng với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để đưa ra mức thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Dự thảo đề xuất liên quan đến việc đánh thuế phần trăm doanh thu hoặc lợi nhuận của các nền tảng trực tuyến và sau đó phân phối lại cho các quốc gia thành viên.

Kenya và Tanzania đã đi trước một bước bằng việc quyết định thực thi các sáng kiến riêng.

Thuế dịch vụ kỹ thuật số của Kenya, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 áp dụng khoản thuế 1,5% trên tổng giá trị giao dịch của các dịch vụ kỹ thuật số do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp. Biện pháp này có thể mang lại 45 triệu USD cho nguồn thu ngân sách trong nửa đầu năm 2021.

Các quan chức Tanzania đang cân nhắc ý tưởng áp thuế đối với các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Signal và Telegram nhằm giúp chính phủ nước này bù đắp sự sụt giảm lưu lượng thoại quốc tế.

Tổng Giám đốc của Smart Africa cho rằng các "gã khổng lồ" công nghệ không muốn châu Phi áp dụng quan điểm cấp tiến như OECD đã làm. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên của Smart Africa nhất trí rằng đã đến lúc các nền tảng này tham gia đóng góp phát triển xã hội bằng cách trả thuế dữ liệu. Câu hỏi không phải là nếu, mà là khi nào.

Thách thức đặt ra là đảm bảo rằng các khoản thu thuế trong tương lai được tái đầu tư một cách khôn ngoan để tránh lặp lại sự thất bại của các quỹ dịch vụ phổ cập.

Được các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tài trợ trong nhiều năm nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng mạng ở các vùng nông thôn, nhưng trình độ quản trị kém khiến các quỹ dịch vụ phổ cập vẫn tiếp tục không được sử dụng hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục