Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm

Theo kết quả khảo sát của Caixin, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin đã giảm xuống 48,1 trong tháng Ba vừa qua, dưới ngưỡng 50 - ranh giới phân định tăng trưởng và suy giảm.
Chỉ số sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm ảnh 1Công nhân làm việc tại một máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả khảo sát của Caixin công bố cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng Ba vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối phó với đợt lây lan dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất.

Theo kết quả khảo sát, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin đã giảm xuống 48,1 trong tháng Ba vừa qua, dưới ngưỡng 50 - ranh giới phân định tăng trưởng và suy giảm. PMI là một thước đo chính của hoạt động trong các nhà máy.

Cuộc khảo sát của Caixin, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy cả đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.

[Rủi ro từ đợt bùng phát COVID-19 mới tới nền kinh tế Trung Quốc]

Chuyên gia Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao tại Tập đoàn Caixin Insinght, nhận định trong tháng Ba vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát ở một số khu vực trên khắp Trung Quốc, phá vỡ chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Nhu cầu thị trường suy yếu, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng.

Ông cũng nhận định căng thẳng Nga-Ukraine cũng đã dẫn đến nhu cầu xuất khẩu giảm nghiêm trọng và gây trở ngại cho hoạt động kết nối vận tải toàn cầu. Chi phí đầu vào tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Chỉ số PMI yếu kém trên có khả năng củng cố đồn đoán của thị trường về việc các nhà hoạch định chính sách cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ để ổn định nền kinh tế đang suy yếu.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng Một vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc từ mức 5,6% trước đó xuống 4,8%, cho thấy tài sản sụt giảm và tác động của các biện pháp hạn chế dịch bệnh lên hoạt động tiêu dùng. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4% trong quý 4/2021 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng yếu nhất trong một năm rưỡi qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục