Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ tiền cho trẻ em nghèo

8 tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Hà Giang và Lào Cai thí điểm dự án hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em nghèo.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình hỗ trợ tiền mặt là chủ đề của hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày 9/4.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều Bộ, ngành và lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của 8 tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Trà Vinh, Hà Giang và Lào Cai.

Đây là 8 tỉnh được lựa chọn để triển khai thí điểm dự án hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em thuộc hộ nghèo.

Cùng với việc nghe kết quả đánh giá năng lực địa phương (được khảo sát tại 10 tỉnh) trong tổ chức thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội do Viện Khoa học lao động xã hội báo cáo, kinh nghiệm tại một số tỉnh ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới, các đại biểu tham dự hội thảo cùng nhau thảo luận, đề xuất những nội dung và các giải pháp “khung” cần thiết trong việc hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em thuộc các hộ nghèo – nhất là hộ nghèo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong đó, những nội dung được đặc biệt quan tâm, thảo luận như cách xác định hộ nghèo đảm bảo đúng tiêu chí, vấn đề cập nhật và quản lý danh sách trẻ em thuộc hộ nghèo, thực hiện chi trả chế độ bảo trợ xã hội thông qua hệ thống cung cấp dịch vụ độc lập, những giải pháp để nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội bằng tiền cho hộ nghèo có trẻ em dưới 16 tuổi, mức hỗ trợ và phương pháp hỗ trợ cho trẻ em…

Nhiều ý kiến hay từ thực tiễn của các quốc gia, các tỉnh thành của Việt Nam đã được đánh giá cao và được đề xuất xem xét thí điểm.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết Việt Nam đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, chính sách an sinh xã hội.

Hiệu quả đạt được rất lớn song chưa tương xứng xứng với mục tiêu, mức kinh phí đã chi.

Nguyên nhân là do chính sách còn tản mạn, chồng chéo, việc tổ chức thực hiện còn nhiều bật cập, một số chính sách chưa thực sự khuyến khích và chưa có những ràng buộc nhất định để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo…

Vì vậy để tạo được một cú huých mạnh trong chuyển biến nhận thức của người nghèo, tăng hiệu quả công tác hỗ trợ người nghèo…và đặc biệt là để đảm bảo tốt nguồn nhân lực tương lai cho đất nước, Thủ tướng chính phủ đã cho xây dựng dự án hỗ tiền mặt cho trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo từ nguồn vốn ODA.

Dự án này sẽ được triển khai thí điểm trong 3 năm (2013-2015 ) ở 8 tỉnh và sau đó tổng kết, nhân rộng trong cả nước.

Vì vậy những kinh nghiệm, những ý kiến trong hội thảo này là cơ sở quan trọng để đảm bảo triển khai tốt dự án từ năm 2013./.

Phan Văn Đông (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục