Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại thị trường Nhật Bản

Việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh doanh trên thị trường toàn cầu.
Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại thị trường Nhật Bản ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Mtex - Semicodutor Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Nishiyama Akia, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư BSO (Nhật Bản) cho rằng việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh doanh trên thị trường toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa như hiện nay.

Ông Nishiyama Akia nhận định như vậy tại hội thảo “Kinh nghiệm xúc tiến thương mại thị trường Nhật Bản” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/8.

Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt hiện nay Nhật Bản là một trong những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện của Việt Nam theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu.

Theo Bộ Công Thương, về lĩnh vực thương mại, Nhật Bản là đối tác đứng thứ ba của Việt Nam. Trong bảy tháng của năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 8,5 tỷ USD (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2013), kim ngạch nhập khẩu đạt 6,9 tỷ USD (tăng 5,6%).

Tính đến hết tháng 7/2014, Việt Nam thu hút được 2.353 dự án của Nhật Bản, với tổng số vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD (chiếm 13,9% tổng số dự án và 14,9% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam).

Đánh giá về hiệu quả của hoạt động đầu tư, kinh doanh, giao dịch thương mại của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết so với các nhà đầu tư từ những quốc gia khác, dự án của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam thường có số vốn đăng ký lớn và tỷ lệ vốn thực hiện rất cao. Doanh nghiệp Nhật Bản chấp hành khá tốt những chính sách, pháp luật về đầu tư của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao...

Ông Võ Tân Thành nhấn mạnh vừa qua, Nhật Bản đã triển khai kế hoạch đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam sang làm việc tại nước này. Đây là một tín hiệu tích cực, mở ra hướng thuận lợi, hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch... giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục là đối tác hàng đầu của Việt Nam, do đó những chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại như hội thảo lần này đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần cập nhật thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Các hoạt động giới thiệu về tập quán kinh doanh, thị trường, cơ hội kinh doanh sẽ hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Đồng quan điểm trên, ông Nishiyama Akia - Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư BSO (Nhật Bản) chia sẻ với định hướng phát triển nền công nghiệp hiện đại, Nhật Bản cần sự hỗ trợ của các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp cận thành công với doanh nghiệp Nhật Bản và phát triển các ký kết hợp tác đầu tư, giao dịch thương mại, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng những mối quan hệ nền tảng có sự tin tưởng, ưu tiên yếu tố uy tín.

Theo ông Yamauchi Yuij, Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin Alaki (Nhật Bản), những điển hình kết nối hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại qua hệ thống công nghệ thông tin đang mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Vì vậy tại hội thảo lần này, các chuyên gia Nhật Bản mong muốn giúp doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin, công cụ ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả để phục vụ hoạt động kinh doanh vượt qua rào cản địa lý, thủ tục hành chính...

Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt nhưng còn hạn chế trong việc giới thiệu thông tin, quảng bá thương hiệu nên còn hạn chế trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác, ông Yamauchi Yuij nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục