Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh không còn đường lùi

Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến nhấn mạnh Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng Trung Quốc đã không có đường lùi.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh không còn đường lùi ảnh 1Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu tại cảng Lianyungang, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Tới thời điểm này, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến cho rằng Trung Quốc đã không có đường lùi.

Nhưng trước giờ G, Bắc Kinh đã điều chỉnh kế hoạch và theo chuyên gia, sự thay đổi này là nhằm tránh bất lợi cho khả năng thái độ và quan điểm hai bên sẽ phát triển theo hướng tích cực để "hạ nhiệt" căng thẳng.

Hãng thông tấn trung ương Đài Loan đưa tin, Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu theo quan điểm cứng rắn của Trung Quốc đã cho đăng một bài viết trên tài khoản cá nhân ở mạng xã hội weibo vào chiều 4/7.

Trong bài viết nói trên, ông Hồ Tích Tiến cho rằng Trung Quốc đã tận lực. Đàm phán Trung-Mỹ đã diễn ra 3 vòng, nhưng thỏa thuận đạt được đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe cứng rắn hủy bỏ. Và theo ông này, Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng Trung Quốc đã không có đường lùi. 

[Cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử có thể đẩy Mỹ vào suy thoái]

Trong khi tuyên bố người Trung Quốc sẽ không giơ cờ trắng đầu hàng chính phủ Donald Trump, Hồ Tích Tiến cũng kêu gọi tạo dựng “vĩ tuyến 38 về mậu dịch” của thế kỷ 21 với Mỹ.

Liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sắp chính thức bùng nổ, tờ Đa chiều ngày 5/7 cho biết từ 0 giờ ngày 6/7, Mỹ bắt đầu áp thuế trừng phạt đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc từng nói rằng sẽ đưa ra biện pháp trả đũa vào cùng thời gian và đối với cùng giá trị hàng hóa.

Vào ngày 4/7, một quan chức Trung Quốc nói kẻ khơi mào là Mỹ, và Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ cần phía Mỹ đưa ra danh sách áp thuế trừng phạt, Trung Quốc sẽ sử dụng tổng hợp các biện pháp cần thiết, kiên định bảo vệ lợi ích đất nước và lợi ích nhân dân.

Tuy nhiên, nguồn thạo tin của tờ Đa chiều tiết lộ vào tối 4/7, kế hoạch của Trung Quốc đã có sự thay đổi.

Nguyên nhân là do múi giờ của Bắc Kinh cách múi giờ bờ Đông nước Mỹ 12 tiếng đồng hồ. Nếu theo kế hoạch cũ, Trung Quốc bắt đầu áp thuế trừng phạt trả đũa đối với 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ vào lúc 0 giờ ngày 6/7.

Điều đó có nghĩa hành động của Trung Quốc sẽ đi trước Mỹ vì lúc đó mới là trưa 5/7 theo giờ Mỹ, và quyết định áp thuế trừng phạt đối với 34 tỷ hàng hóa Trung Quốc của Mỹ vẫn chưa có hiệu lực.

Lo ngại thế giới bên ngoài sẽ nhìn nhận Trung Quốc là kẻ khơi mào chiến tranh thương mại, Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc đã ra tuyên bố nói rằng: “Chúng tôi tuyệt đối không bắn phát súng đầu tiên, sẽ không áp thuế trừng phạt trước Mỹ.”

Như vậy, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ trưa 6/7, theo giờ Bắc Kinh.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bắc Kinh không còn đường lùi ảnh 2Người dân mua sắm tại một siêu thị ở New York, Mỹ. AFP/TTXVN.

Tờ Đa chiều dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết cách làm này phù hợp với thông lệ của nước này vì cách tính thời gian áp thuế của Trung Quốc là toàn bộ một ngày.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc áp thuế trừng phạt trả đũa trước khi Mỹ hành động sẽ khiến Bắc Kinh đối mặt với rủi ro, khiến cho việc khôi phục đàm phán song phương càng thêm khó khăn.

Một tháng qua, đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã bị đình trệ. Giới lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, cho nên, nếu Bắc Kinh hành động trước sẽ đi ngược với lập trường công khai nêu trên.

Timothy P. Stratford, phụ trách Văn phòng luật sư Covington của Mỹ, cho rằng nếu Trung Quốc ra tay trước sẽ không có lợi cho khả năng thái độ và quan điểm hai bên sẽ phát triển theo hướng tích cực để "hạ nhiệt" căng thẳng.

Tuy nhiên, dù thế nào, theo Kim Xán Vinh - Phó Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc - Trung Quốc và Mỹ khó tránh được vòng áp thuế trừng phạt đầu tiên nhằm vào nhau.

Trong một phát biểu tại Thượng Hải, được tờ Tin tức thế giới ngày 5/7 dẫn lại, Kim Xán Vinh cho rằng sau vòng này, hai bên đều chịu thiệt hại, bình tĩnh trở lại rồi ngồi vào bàn đàm phán.

Cuộc đánh lớn cuối cùng hai bên nên tránh vì nếu tiếp tục thì tổn thất của hai bên đều lớn, Mỹ cũng không có lợi gì.

Theo Kim Xán Vinh, một khi chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu toàn diện đất hiếm sang Mỹ.

Hiện nay, 90% đất hiếm toàn cầu là do Trung Quốc sản xuất, trong khi tất cả các mạch tích hợp công nghệ cao đều phải dùng đất hiếm.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể lựa chọn việc bán trái phiếu công ty, chính phủ Mỹ và đánh vào thị phần của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục