Chính phủ Đức thông qua Báo cáo giải trừ quân bị năm 2022

Tháng 6/2022, Đức và các đối tác NATO đã nhất trí ban hành Khái niệm chiến lược mới, trong đó tập trung tăng cường khả năng răn đe chung, phòng thủ tập thể cũng như kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị.
Chính phủ Đức thông qua Báo cáo giải trừ quân bị năm 2022 ảnh 1Binh sỹ và xe quân sự Đức tham gia một cuộc tập trận, ngày 8/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc họp nội các liên bang ngày 26/4, Chính phủ Đức đã thông qua Báo cáo giải trừ quân bị năm 2022.

Báo cáo này cung cấp thông tin về các thỏa thuận và quy định quan trọng nhất, những bước phát triển trọng tâm và các ưu tiên trong chính sách kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Đức trong năm 2022.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nội dung bản báo cáo dài 180 trang đánh giá Chính phủ Đức năm 2022 đã đảm nhận trách nhiệm quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong những điều kiện bất lợi.

Tuy vậy, bất chấp mọi khó khăn, Berlin đã cùng các đối tác trên khắp thế giới đưa ra những phản ứng phù hợp với tình hình an ninh thay đổi.

Chính phủ Đức cũng đã vận động để duy trì các điều khoản và thỏa thuận về chính sách kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị hiện có, đồng thời thúc đẩy hơn nữa những thỏa thuận này ở bất cứ nơi nào có thể.

Báo cáo cũng đề cập đến một loạt chương trình hoạt động nổi bật của nước Đức trong năm 2022.

Một trong những sự kiện quan trọng là Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân lần thứ 10, được tổ chức hồi tháng 8/2022 tại thành phố New York, Mỹ.

Tại hội nghị này, cùng với các đối tác trong Sáng kiến Stockholm và Sáng kiến không phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị (NPDI), Chính phủ Đức đã đệ trình các đề xuất nhằm giảm thiểu rủi ro và xác minh giải trừ quân bị. Tuy nhiên, hội nghị đã không thể thống nhất được tuyên bố cuối cùng về vấn đề này.

Đức cũng sử dụng vai trò Chủ tịch luân phiên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2022 để vận động vì sự an toàn và an ninh của các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine.

Cũng trên cương vị Chủ tịch G7, Đức đã chủ trì hội nghị Hiệp định đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong năm 2022, Chính phủ Đức cũng đặt trọng tâm vào lĩnh vực mạng Internet. Tháng 7/2022, theo sáng kiến của Berlin, Liên hợp quốc đã đạt được thỏa thuận về việc tạo ra một mạng lưới liên lạc toàn cầu để trao đổi quan điểm về các vấn đề chính sách mạng.

Theo báo cáo, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều thay đổi như năm 2022, công cuộc kiểm soát vũ khí càng phải được hiểu như một phần không thể thiếu trong chính sách an ninh.

Do đó, vào tháng 6/2022, Đức và các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí ban hành Khái niệm chiến lược mới.

[Kho vũ khí của quân đội Đức thiếu hụt vì viện trợ Ukraine]

Khái niệm này phản ánh tình hình an ninh thay đổi ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, cũng như tập trung tăng cường khả năng răn đe chung và phòng thủ tập thể.

Đồng thời, khái niệm cũng cho thấy kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là “mặt thứ hai của cùng một đồng tiền chính sách an ninh.”

Do tình hình địa chính trị phức tạp, báo cáo dự đoán năm 2023 sẽ là khoảng thời gian đầy thách thức.

Chính phủ Đức sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để giải trừ quân bị, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong một trật tự thế giới dựa trên luật pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục