Chính phủ Italy vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm về dự luật bầu cử mới

Liên minh trung tả, nhận được đa số sự ủng hộ của các đảng đối lập trung hữu, cho biết việc cải cách luật bầu cử là cần thiết để cân đối các hệ thống bầu cử Thượng viện và Hạ viện.
Chính phủ Italy vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm về dự luật bầu cử mới ảnh 1Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni tham dự một diễn đàn ở Cernobbio, Italy ngày 2/9. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chính phủ Italy ngày 12/10 tiếp tục vượt qua vòng cuối cùng trong ba vòng bỏ phiếu tín nhiệm về dự luật bầu cử mới được cho là có thể gây bất lợi đối với đảng Phong trào 5 sao (M5S) trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm tới.

Liên minh trung tả, nhận được đa số sự ủng hộ của các đảng đối lập trung hữu, cho biết việc cải cách luật bầu cử là cần thiết để cân đối các hệ thống bầu cử Thượng viện và Hạ viện.

Theo quy định, dự luật trên còn phải trải qua cuộc bỏ phiếu kín của các nghị sỹ trong Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 13/10. Nếu vượt qua rào cản này, dự luật vẫn cần nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện.

Trái lại, nếu không nhận được đa số ủng hộ của các nghị sỹ thì đó sẽ được coi là một thất bại nghiêm trọng đối với Thủ tướng Paolo Gentiloni và có thể dẫn tới khả năng nhà lãnh đạo này phải từ chức.


[Các chính đảng Italy tiếp tục bất đồng về luật bầu cử mới]

Không giống với những quy định hiện hành, hệ thống luật bầu cử mới sẽ cho phép thành lập các liên minh gồm nhiều đảng trước khi diễn ra cuộc bầu cử, một nhân tố có thể ảnh hưởng tới M5S, một đảng đối lập đang lên và chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5/2018. Cụ thể, M5S cho rằng dự luật cải cách nói trên có thể khiến đảng này mất tới 50 ghế tại Hạ viện, thậm chí mất đi cơ hội trở thành đảng lớn nhất tại Quốc hội khóa tới sau bầu cử.

Trước đó, Tổng thống Italy Sergio Mattarella, người duy nhất có quyền giải tán quốc hội, đã kêu gọi đưa ra những quy định bầu cử mới do hệ thống bầu cử hiện nay có nhiều khác biệt giữa Thượng viện và Hạ viện, có thể là nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa các đảng chiếm đa số.

Từ nhiều tháng qua, các chính đảng của Italy không thể đạt được thỏa thuận về dự luật bầu cử mới trong bối cảnh đảng Dân chủ (PD) cầm quyền và M5S đối lập cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân gây bất đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục