Chính phủ Séc đệ đơn từ chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

Chiều 17/1, Chính phủ Séc do Thủ tướng Andrej Babis đứng đầu đã đệ đơn từ chức sau khi đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại hạ viện.
 Chính phủ Séc đệ đơn từ chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ảnh 1Thủ tướng CH Séc Andrej Babis (giữa) phát biểu tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Hạ viện ở Prague ngày 16/1. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Chiều 17/1, Chính phủ Séc do Thủ tướng Andrej Babis đứng đầu đã đệ đơn từ chức sau khi đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại hạ viện.

Tuy nhiên, chính phủ sẽ thực hiện chức trách cho đến khi Tổng thống Milos Zeman​ chỉ định một chính phủ mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Séc, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại hạ viện ngày 16/1, trong số 195 nghị sỹ có mặt, chỉ có 78 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ chính phủ, trong khi có 117 nghị sỹ bỏ phiếu phản đối.

Như vậy, Chính phủ Séc thiếu 23 phiếu trong số 200 nghị sỹ tại Hạ viện để vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này.

Các đảng phái đối lập chỉ trích Thủ tướng Andrej Babis không nỗ lực trong việc thành lập chính phủ liên minh có đa số ghế tại quốc hội. Một số đảng phái không chấp nhận một thủ tướng đang có nguy cơ bị truy tố hình sự.

Tổng thống Milos Zeman tuyên bố sẽ trao cho ông Babis cơ hội lần thứ hai đứng ra thành lập chính phủ với tư cách lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện hồi tháng 10/2017.

Tuy nhiên, diễn biến tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống Cộng hòa Séc năm 2018 đã tạo ra nguy cơ về một cuộc khủng hoảng chính phủ tại nước này.

Kết quả cuộc bỏ phiếu vòng một cho thấy đương kim Tổng thống Zeman về nhất với 38,6% số phiếu ủng hộ và Giáo sư Jiri Drahos​ đứng ở vị trí thứ hai với 26,6% số phiếu ủng hộ.

[Cộng hòa Séc: Những khả năng liên quan việc thành lập chính phủ mới]

Hai ứng cử viên này lọt vào cuộc bỏ phiếu vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27/1 tới.

Khả năng trúng cử của hai người ở vòng hai cuộc bầu cử tương đối cân bằng. Nếu Tổng thống Zeman tái đắc cử thì ông Babis vẫn có thêm cơ hội thành lập chính phủ, song trong trường hợp ngược lại, ông Drahos đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không bổ nhiệm vào chức thủ tướng các nhân vật bị truy tố hình sự, trong đó có ông Babis.

Nếu trước ngày 8/3, thời điểm vị nguyên thủ quốc gia mới nhậm chức, ông Babis không giành được sự ủng hộ của ít nhất 101 nghị sỹ hạ viện trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ mới, Cộng hòa Séc nhiều khả năng phải tổ chức lại một cuộc bầu cử hạ viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục