Chính quyền TQ ngưng dự án hóa chất yên lòng dân

Chính quyền Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) đã thông báo ngưng dự án nhà máy hóa chất sau nhiều cuộc biểu tình của người dân.
Nhà chức trách Ninh Ba tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc thông báo hôm 28/10 rằng việc thi công nhà máy lọc và hóa dầu trị giá 55,9 tỉ nhân dân tệ (8,9 tỉ USD) sẽ ngưng lại sau khi hàng nghìn người dân địa phương đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình kéo dài một tuần lễ.
Chính quyền TQ ngưng dự án hóa chất yên lòng dân ảnh 1
Người dân tụ tập phản đối dự án nhà máy hóa chất ở Ninh Ba (Nguồn: AFP)
Tuy vậy, thông tin trên vẫn chưa thể khiến người dân thực sự an tâm. Bên ngoài khu thị chính thành phố ngày 29/10, cảnh sát tìm cách giải tán những đám đông vẫn còn tụ tập. Dù chính quyền đã hứa sẽ ngưng dự án của công ty dầu khí khổng lồ Trung Quốc Sinopec, một số người dân Ninh Ba nói họ vẫn sợ thành phố có thể lại tái khởi động dự án. “Thật không may, đây có thể chỉ là chiến thuật câu giờ… chính quyền cảm thấy áp lực và muốn xoa dịu, nên đây chưa phải là chiến thắng cho chúng tôi,” Sha Shi Di Sao Zi viết trên một trang mạng xã hội. Những cuộc biểu tình diễn ra ngay trước đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến bắt đầu từ ngày 8/11 tới. Một bài xã luận đăng trên tờ báo nhà nước China Daily ngày 29/10 nói những cuộc biểu tình liên quan tới môi trường đã tăng cao cho thấy “sự ám ảnh” của các quan chức địa phương về việc phải tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. “Quá nhiều quan chức địa phương vẫn quá bận tâm tới việc tăng trưởng GDP,” bài báo viết. “Một số nhà lãnh đạo cần phải làm quen với ý thức rằng quyền của người dân được sống trong một môi trường trong sạch cũng cần được tôn trọng tương đương.” Chính quyền quận Trấn Hải thuộc Ninh Ba, nơi dự kiến đặt nhà máy, thông báo ngày Chủ nhật sẽ cấm việc sản xuất paraxylene (PX), một hóa chất dùng làm các chai nhựa, do lo sợ về mặt sức khỏe của người dân. Trước đó trong năm nay ở tỉnh tây nam Tứ Xuyên, hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát vì một dự án nhà máy luyện kim ở thành phố Thập Phương. Dự án sau đó cũng bị hủy bỏ./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục