Chính sách 'Nước Mỹ trước tiên' bị thử thách trên cả 4 mặt trận

Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” hiện bị thử thách trên cả 4 mặt trận khiến Nhà Trắng phải đối mặt với những phép thử rất cam go nhằm xử lý được nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc.
Chính sách 'Nước Mỹ trước tiên' bị thử thách trên cả 4 mặt trận ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Las Vegas, Nevada, Mỹ, ngày 6/4/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump hiện bị thử thách trên cả 4 mặt trận khiến Nhà Trắng phải đối mặt với những phép thử rất cam go trong việc làm thế nào để xử lý được nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc nhằm đạt được mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền Mỹ.

Wall Street Journal đã phân tích và nhận định như trên trong số ra ngày 10/5.

Ở châu Á, Trung Quốc đang muốn thương lượng lại nhiều điều khoản trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vốn đã kéo dài nhiều năm. Triều Tiên thì lại bắt đầu thử tên lửa tầm ngắn trong khi cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng vẫn đang gián đoạn.

Ở Trung Đông, Iran đe dọa tiếp tục trở lại chương trình phát triển hạt nhân của họ và theo thông tin của tình báo Mỹ, Iran đang lên kế hoạch tấn công các lực lượng Mỹ. Còn ở Nam Mỹ, Venezuela - với sự hậu thuẫn của Nga và Cuba - đã phá được âm mưu đảo chính do Mỹ đứng đằng sau.

Chính quyền Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách đến mức ngày 9/5 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo phải cắt ngắn chuyến công du ngoại giao để trở về Washington tham dự cuộc họp với các lãnh đạo cao nhất, bao gồm cả quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng tình hình hiện nay thậm chí còn bất thường hơn ở chỗ Tổng thống Trump bỏ qua cả việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng vấn đề để giải quyết, cách này từ lâu đã chứng minh hiệu quả.

Thay vào đó, ông Trump tiến hành làm nhiều thứ cùng một lúc, nhắm tới nhiều mục tiêu một lúc mà bất kỳ mục tiêu nào trong số đó cũng đầy tham vọng đối với chính quyền Mỹ: đòi hỏi cơ cấu lại mô hình nền kinh tế Trung Quốc; yêu cầu Triều Tiên cam kết tiến hành phi hạt nhân hóa; đòi hỏi Iran thay đổi toàn bộ chính sách an ninh; và âm mưu lật đổ chính quyền Venezuela.

['Thỏa thuận trước đây với Triều Tiên là thất bại ngoại giao của Mỹ']

Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ Richard Hass, nhận định rằng trong tất cả những mục tiêu này, chính quyền Trump tự đưa ra định nghĩa riêng không giống ai về thế nào là thành công.

Ông nói: “Tất cả những mục tiêu này được thực hiện mà không hề có một quy trình liên thông, phối hợp nghiêm túc, còn tổng thống thì dị ứng với việc phải sử dụng vũ lực quy mô lớn.”

Theo ông Hass, khoảng cách giữa mục tiêu và phương tiện để đạt mục tiêu của chính quyền Trump là quá lớn và nếu chỉ sử dụng các lệnh trừng phạt thôi thì không thể giải quyết được vấn đề.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders thậm chí không nhận thấy được mối nguy cơ là chính quyền Mỹ đang “ngập lụt” vào quá nhiều vấn đề cùng một lúc.

Ví dụ hôm 9/5 vừa qua, bà tuyên bố: “Các thành viên trong nhóm An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump đã tiến hành họp định kỳ để giải quyết một loạt vấn đề.”

Ngay sau cuộc họp kết thúc, Ngoại trưởng Pompeo đã đe dọa sử dụng vũ lực đối với Iran trong khi vẫn để ngỏ cơ hội đàm phán, kiểu như “bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran hay các lực lượng thân tín của họ vào các lợi ích của nước Mỹ hoặc công dân Mỹ sẽ vấp phải sự đáp trả của phía Mỹ ngay lập tức.”

Tất nhiên, không có tổng thống nào được chọn lựa xem cuộc khủng hoảng nào nổi lên trước để giải quyết trước. Căng thẳng ở Venezuela bị đẩy lên đỉnh điểm, trong khi việc Trung Quốc không tuân thủ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ và những căng thẳng thương mại của hai bên đã diễn ra từ lâu, khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh luôn trong tình trạng bất ổn.

Còn vấn đề Iran,“cái gai thù địch” của Mỹ ở Trung Đông, đã tồn tại từ lâu, trong khi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên không phải là vấn đề mới.

Khi đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump phàn nàn rằng ông đang phải giải quyết những vấn đề do các đời tiền nhiệm để lại. Mới đây thôi, ông nhắc lại: “Tôi trách những lãnh đạo thời trước đã để những việc như thế xảy ra. Là tổng thống, tôi phải giải quyết những vấn đề đó.”

Nhưng những căng thẳng leo thang hiện nay chính là hậu quả do những quyết định của Washington đưa ra. Chính quyền Trump vẫn đang tìm cách giải quyết xung đột với Trung Quốc, dò dẫm tìm kiếm những bước đi ngoại giao mới giải quyết vấn đề Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận, tăng cường sức ép kinh tế nhằm khuất phục Iran.

Theo ông Vali Nasr, hiệu trưởng trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH John Hopkins, những chính sách này của chính quyền Mỹ đang tạo thêm nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc.

Ông Nasr phát biểu: "Chúng ta không thể kiểm soát việc Venezuela có sụp đổ hay không nhưng tình hình Iran là vấn đề đã đóng băng từ lâu và không nhất thiết tạo ra thêm một cuộc khủng hoảng như vậy vào lúc này.”

Chủ trương của Nhà Trắng chiến đấu trên nhiều mặt trận địa chính trị cùng một lúc cũng cho thấy chính quyền Trump không coi trọng những cái giá phải đánh đổi vốn khá phổ biến trong môi trường chính trị và ngoại giao quốc tế.

Về mặt ngoại giao, Mỹ muốn Trung Quốc hỗ trợ mình để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa trong khi lại quyết định nâng mạnh thuế đánh vào Bắc Kinh.

Về mặt quân sự, chiến lược của Lầu Năm Góc là xây dựng năng lực để kiềm chế Trung Quốc và Nga trong khi xoay chuyển, rút quân ra khỏi Trung Đông. Thế nhưng giờ đây, chính Lầu Năm Góc lại phải điều hàng không mẫu hạm và máy bay ném bom đến Trung Đông và khả năng sẽ lại phải điều thêm quân tới đây.

Chính sách đối ngoại của Trump phản ánh rõ kiểu lãnh đạo của ông. Đó là cứ đưa ra các yêu cầu thật tham vọng với hy vọng đối phương sẽ phải nhượng bộ.

Theo những người ủng hộ Tổng thống Trump, đường hướng đối ngoại không giống ai của ông cũng đã tạo lập được một số thành tựu đáng kể, ví dụ như cuộc gặp chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên, dù cho Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm ngắn nhưng họ đã tạm ngừng phóng tên lửa tầm xa và thử vũ khí hạt nhân.

Và khi bàn đến việc sử dụng vũ lực thì Tổng thống Trump dường như cẩn trọng hơn cố vấn an ninh “diều hâu” của chính mình là ông John Bolton - người năm ngoái đề xuất Lầu Năm Góc phải có biện pháp giải quyết Iran sau khi lãnh sự Mỹ bị phiến quân Iraq tấn công mà theo nhiều quan chức, lực lượng này được Iran hậu thuẫn.

Trong vấn đề Iran, việc chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 để gia tăng tối đa sức ép kinh tế đối với Tehran đã khiến quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu rạn nứt.

Và nhiều cựu tướng lĩnh Mỹ đã phải đặt dấu hỏi về khả năng của chính quyền ông Trump trong việc giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng cùng một lúc nếu như căng thẳng tiếp tục leo thang nhanh chóng.

Chủ tịch Viện Brookings, Tướng hải quân về hưu John Allen, nhận xét rằng chính quyền Mỹ hiện nay bị hạn chế về khả năng phản ứng với khủng hoảng và việc đưa ra quyết sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục