Nhà trên miệng tử thần

Chông chênh những ngôi nhà trên miệng tử thần

Tình trạng sụt lún nghiêm trọng khiến cả một dãy nhà dài ở phường Ngọc Lâm, Long Biên nứt nẻ, liêu xiêu bên mép bờ sông Hồng.
Ngồi giữa mảnh sân méo mó, lởm chởm gạch đá, bé Nam (tổ 27, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) vô tư đùa nghịch với chú cún nhỏ. Cách chỗ Nam đứng vài bước, vệt nứt dài ngoằn ngoèo kéo dài tới mép sông Hồng như hàm răng nham nhở của con cá mập khổng lồ. Bức tường nơi Nam đang tựa lưng cũng xiêu vẹo như chực đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Gia đình bé Nam chỉ là một trong số 15 hộ dân đang ngày ngày phải đối mặt với mối nguy hiểm bị “ngoạm” mất nhà do sụt lún bên bờ sông Hồng.

Kinh hoàng hà bá thức giấc


Có mặt tại tổ 27, phường Ngọc Lâm, phóng viên Vietnam+ không khỏi kinh ngạc bởi khung cảnh hoang tàn của khu vực này. Tình trạng sụt lún nghiêm trọng khiến cả một dãy nhà dài nơi đây nứt nẻ, liêu xiêu bên mép bờ sông.

Chỉ cho chúng tôi đống đổ nát mới cách đây không lâu còn là khu bếp ấm cúng của cả nhà, chị Minh kể rằng, cách đây hơn 1 tháng, tình trạng nứt, sụt đã bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 5, đất cứ ùn ùn nứt nẻ rồi đổ sụp xuống, nhiều nhà hốt hoảng phải sơ tán cả gia đình.

Có mặt tại điểm “nóng” nhất của tổ 27, chúng tôi phải dò dẫm từng bước qua những miệng hố nứt nẻ để tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con nơi đây.

Căn nhà 4 tầng số 24 nằm ở cuối dãy thậm chí đã bị đánh tan toàn bộ khu vực sau nhà. Phần lớn nền móng phía sau đã bị bẩy tung lên tạo thành chiếc hố sâu hoắm đầy ximăng, sắt thép.

“Mấy năm trước, chỉ có ít nhà khu vực phía trên bị sụt lở. Vậy mà năm nay, cả dãy nhà nơi chúng tôi ở đã phải di tản. Nhìn nhiều căn nhà lở móng, mình cũng không dám liều ở lại,” chị Minh ngậm ngùi.

Bà Nguyễn Thị Huyền nhà gần khu vực này cho hay, tình hình sụt lún của tổ 27 khiến nhiều người sống quanh đó cũng không khỏi lo lắng và sợ hãi.

Bà Huyền kể thêm, từ khi hiện tượng sụt lún đổ nhà, các hộ đã sơ tán đi khỏi khu vực này, thậm chí có nhà 4 người còn phải di tản đi 4 nơi, khổ sở đủ bề.

Liều lĩnh khi tử thần chưa gọi tên


Gặp chúng tôi khi người còn đẫm mồ hôi vì “đánh vật” với đống đồ đạc lỉnh kỉnh, anh Tuấn cho hay, anh vừa quyết định quay lại căn nhà đã gắn bó từ lâu của mình.

Gia đình anh Tuấn tại số nhà 6 ngõ 32, tổ 27 là một trong những hộ đã nhanh chân ra đi khi Ủy ban Nhân dân thông báo di dời ngày 30/5. Vậy nhưng, gần 1 tháng sống nhờ, chịu đủ phiền toái, anh Tuấn chán nản lại vác đồ đạc về nhà.

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà, anh cho hay, nhà anh chẳng hề có vết nứt hay lún nào, vậy nên chẳng có cớ gì mà anh lại không về.

“Mấy nhà phía trên kia sụt lún nặng thì di dời là đúng, chứ nhà mình có bị làm sao đâu mà phải đi,” anh Tuấn khẳng định.

Quả đúng, phía trước nhà anh Tuấn, mọi thứ chẳng có gì phải phàn nàn. Tuy nhiên, khi đi vòng ra sau nhà, chúng tôi mới thấy quyết định của anh Tuấn xem ra có phần liều lĩnh. Mặc dù không chịu ảnh hưởng nặng như một số hộ bên cạnh nhưng toàn bộ phần đất sau nhà anh đã nứt toác. Mảnh sân lát ximăng thậm chí đã biến dạng hoàn toàn.

Mặc cho lo lắng của chúng tôi, anh Tuấn vẫn lắc đầu quầy quậy bảo: “Chỉ có vài nhà trên kia thôi, mình có sao đâu”.

Theo chân anh Tuấn, cả gia đình tại số nhà 16 cũng lục tục kéo nhau về nhà ngay ngày hôm sau, dù cho số nhà này nằm trong khu vực nguy hiểm nhất của tổ 27, phần sân sau của căn nhà thậm chí đã bị “nuốt chửng” vì lở đất. Thế nhưng, anh chủ nhà vẫn kiên quyết với chúng tôi rằng “chả thấy nguy hiểm gì.”

Khi được hỏi lý do vì sao cả nhà lại liều lĩnh quay lại khu vực nguy hiểm, anh chỉ trả lời gọn lỏn: “Đi chán rồi thì về, vậy thôi.”

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Cường, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Lâm cho hay, từ ngày 30/5, nhận được tin báo về việc sụt đất, cán bộ phường và quận đã ngay lập tức có mặt tại khu vực này và thông báo di dời tới người dân.

Ông Cường cho biết thêm: “Với tốc độ sụt lún nhanh như hiện nay, ngày 31/5 Ủy ban phường Ngọc Lâm đã yêu cầu các hộ phải di dời xong và kiến nghị gửi Ủy ban Nhân dân quận Long Biên xem xét phương án tái định cư, để các hộ ổn định cuộc sống đồng thời đề xuất việc kè đê ở khu vực này để có thể hạn chế tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra.”

“Để hỗ trợ người dân trong việc di dời, Ủy ban Nhân dân quận Long Biên trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ đã di dời 6 triệu đồng, Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Lâm hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng,” ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, việc một số hộ dân đang quay lại khu vực nguy hiểm là có thật.

Lý giải về vấn đề này, ông Cường cho biết thêm: “Những hộ còn lại chưa nhận được tiền hỗ trợ vì họ chưa chịu di dời hết tài sản nên không thể bàn giao hỗ trợ tiền đền bù”./.

Xuân Dũng - Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục