Chống hàng lậu, hàng giả phải đi từ doanh nghiệp

Mười năm (2001-2011) các ngành chức năng của Hà Nội đã xử lý 74.739 vụ với tổng tiền phạt, tịch thu lên đến 5.267 tỷ 603 triệu đồng.

Mặc dù không phải là địa bàn biên giới nhưng với đặc thù là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nên Hà Nội luôn là trọng điểm của hoạt động buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

"Nóng" trên toàn tuyến

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội (Ban 127/HN) thì hoạt động vận chuyển, kinh doanh và sản xuất hàng lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ vào Thành phố diễn biến ngày càng phức tạp.

Cụ thể, với hành vi buôn lậu đã hình thành các đường dây vận chuyển hàng nhập lậu theo các cung đoạn đường từ các tỉnh biên giới phía Bắc, phía Nam về Hà Nội, sau đó xé lẻ để đưa vào Thành phố (chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, cảng Phà đen...) để tiêu thụ.

Đơn cử, trong ngày 14/5/2011 đội chống buôn lậu Công an Thành phố Hà Nội đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Việt Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) đang vận chuyển 1.000 bao thuốc là ngoại nhập lậu, nhãn hiệu ESSE, 555 và Matlboro…mở rộng chuyên án cơ quan điều tra đã thu giữ 11.776 cây thuốc là ngoại nhập lậu, tổng giá trị lô hàng lên tới 4,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc sản xuất hàng giả cũng được các đối tượng đẩy mạnh nhằm gây mất uy tín đối với những sản phẩm và doanh nghiệp có thương hiệu lớn.

Qua đấu tranh, ngày 22/6/2010, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội với hợp với đội cảnh sát kinh tế công an Hà Nội kiểm tra hành chính nhà sách Minh Thắng tại năm địa điểm trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả đã thu giữ khoảng 4 tấn sách văn học thành phẩm, bán thành phẩm và các dụng cụ in ấn, chế bản được cho là sách lậu.

Bên cạnh đó, một hành vi không mới nhưng thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận đó là việc gắn chíp tại nhiều cây xăng để đong thiếu và ăn cắp của người tiêu dùng.

Nổi bật là vụ kiểm tra cây xăng tư nhân Hoàng Xuân Lộc ngày 27/7/2010 của phòng cảnh sát kinh tế Hà Nội phối hợp với Chi cục đo lượng chất lượng Hà Nội. Từ tháng 4/2010 đến khi bị phát hiện thì cây xăng này đã gian lận của khách hàng khoảng trên 27.000 lít xăng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nông, Trưởng phòng cảnh sát điều tra kinh tế và quản lý chức vụ công an Hà Nội thì tính chất hoạt động của các đối tượng cũng manh động liều lĩnh, có dấu hiệu bảo kê kiểu xã hội đen và sẵn sàng chống đối khi bị các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Điển hình như vụ các đối tượng chống đối, tấn công lực lượng liên ngành kiểm tra, bắt giữ bốn toa tàu chở hàng lậu tại ga Gia Lâm, Hà Nội, các đối tượng lao vào cướp hàng và tấn công lại lực lượng làm nhiệm vụ.

Sự tham gia của nhiều thương binh trong việc vận chuyển hàng lậu và sẵn sàng chống đối quyết liệt khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý cũng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, nhiều đối tượng đã vận chuyển các mặt hàng ế thừa, quá đát, có mầm dịch nhưng có giá rẻ từ Trung Quốc, nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ như: Gà, lợn, rau, nước giải khát…làm cho tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trầm trọng.

Chống hàng lậu, hàng giả phải từ doanh nghiệp

Để ngăn chặn có hiệu quả tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhiều ý kiến đã được đưa ra bàn thảo trong Hội nghị tổng kết mười năm công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2001-2011 do Ban chỉ đạo 127/HN tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Trong đó, một số đại biểu đề nghị Ban chỉ đạo trung ương cần kiến nghị với Chính phủ bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách quản lý kinh tế, quản lý xuất nhập khẩu cho phù hợp, hạn chế kẽ hở, tạo điều kiện cho bọn buôn lậu lợi dụng thực hiện tội phạm.

Quy định cụ thể thời gian lưu hành của bộ hồ sơ, chứng từ, hóa đơn hàng hóa vi phạm bị tịch thu bán đấu giá; sửa đổi bổ sung các quy định về thành lập và quản lý việc đăng ký mua ấn chỉ thuế nhằm ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để hoạt động mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, hợp thức hóa hàng hóa trái phép…

Ngoài ra, phía Cục Hải quan Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo thị trường để từ đó đưa ra các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả.

Đặc biệt là tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên quan đến đời sống hàng ngày và sức khỏe của người dân, những mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất để thực hiện việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất hàng hóa trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, hàng giả hiện được sản xuất ngày càng tinh vi, nhiều mặt hàng giả thậm chí còn đẹp hơn hàng thật khiến việc nhận biết vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên khi phát hiện được thì thủ tục bắt giữ cũng rất phức tạp. Đơn cử, khi bắt được hàng giả, hàng lậu thì nhiều chủ bản quyền hàng hóa đó ở trong nước lại không muốn ra làm chứng nên các cơ quan chức năng biết cũng không xử lý được.

Do vậy, phải gắn trách nhiệm của người chủ bản quyền sản phẩm đó trong việc chống lại những hành vi buôn lậu và gian lận thương mại những sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh.

Theo thống kê, qua mười năm (từ 2001-2011) các ngành chức năng của Hà Nội đã kiểm tra 130.412 vụ, xử lý 74.739 vụ với tổng số tiền phạt hành chính và tịch thu hàng hóa lên đến 5.267 tỷ 603 triệu đồng.

Trong đó: Hàng cấm nhập lậu là 16.581 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ là 9.576 vụ; gian lận thương mại, truy thu thuế là 30.481 vụ và các vi phạm khác là 18.101 vụ./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục