Ngày 4/11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện số 84/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang; các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc triển khai đối phó với diễn biến của bão số 12 và những cơn bão tiếp theo.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 12 đang di chuyển nhanh theo hướng Tây Nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, dự báo đến chiều và tối nay áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng thấp đổ bộ vào đất liền khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Hiện nay một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực miền Nam Philippines, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và Tây Tây Bắc có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13) và đi qua quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, theo một số cơ quan khí tượng quốc tế, phía Đông ngoài khơi Philippines đã hình thành một cơn bão khác (tên quốc tế là Haiyan) với cường độ mạnh, có hướng di chuyển về phía Biển Đông.
Do đó, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn yêu cầu các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 12 tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 83/CĐ-TW ngày 3/11/2003.
Các tỉnh, thành phố và các Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và của bão, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động về nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Khu vực nguy hiểm trong 2 ngày tới (5 - 6/11) được xác định là vùng biển từ Vĩ tuyến 8 đến Vĩ tuyến 15, vùng biển nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của bão.
Đối với tàu, thuyền đang hoạt động ở giữa Biển Đông và Bắc quần đảo Trường Sa phải kiên quyết chỉ đạo, hướng dẫn di chuyển vào bờ hoặc lên phía Bắc Vĩ tuyến 15; đối với tàu, thuyền hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa phải di chuyển vào bờ hoặc xuống phía Nam Vĩ tuyến 8 hoặc tìm nơi trú tránh để đảm bảo an toàn (có nơi neo đậu tàu thuyền an toàn, người lên bờ tránh bão).
Bộ Ngoại giao liên hệ với các nước trong khu vực để hỗ trợ ngư dân tránh trú bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
Hồi 13 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão số 12 ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 30km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp, rồi đi vào đất liền các tỉnh Đà Nẵng- Bình Định.
Đến 13 giờ ngày 5/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là từ dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa đêm nay (4/11) còn có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ, có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động.
Còn đối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực miền Nam Philippines, hồi 13 giờ ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông trên đảo Pa- la –Oan (Philippines).
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 6/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, từ ngày mai (5/11), vùng biển phía Đông Nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh./.