Chủ động đối phó với diễn biến của cơn bão số 2

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, các địa phương đã chủ động phòng tránh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Trước tình hình bão số 2 đổ bộ vào Bắc Bộ, gây mưa lớn, có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở, ngày 23/6, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các địa phương đã chỉ đạo các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động phòng tránh và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các huyện, thị xã, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng tránh và tổ chức trực ban nghiêm túc; sẵn sàng các phương án đối phó với các tình huống mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Thực hiện rà soát các công trình kè, hồ, đập, công trình đang thi công ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ, có phương án di dời, đảm bảo an toàn về người, tài sản, thiết bị thi công, khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín, ngô đến độ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tiếp nối diễn biến của cơn bão số 2, theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến 19 giờ tối 23/6, đã có 7.731 phương tiện với 23.381 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên Thanh Hóa vẫn còn 737 tàu thuyền với 5.619 lao động đang còn hoạt động trên biển, số phương tiện này đã có thông tin liên lạc với gia đình và địa phương và đang trên đường vào nơi tránh trú ẩn.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã ra 3 Công điện khẩn yêu cầu các ngành, các cấp triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Công tác thông báo, kêu gọi tàu thuyền đã được các ngành chức năng, các địa phương triển khai từ 3 ngày trước. Các địa phương cũng được đốc thúc thu hoạch lúa chiêm xuân, sẵn sàng triển khai phương án đối phó với lũ ống, lũ quét ở các huyện miền núi, tiêu úng ở vùng trũng, thấp bảo vệ lúa, hoa màu và diện tích mạ mới gieo; rà soát lại các phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ, đập và các công trình đang thi công…

Ông Phạm Đình Hòa, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh cho biết: tỉnh thường xuyên thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão . Ngoài ra, Quảng Ninh rà soát và triển khai các phương án phòng chống mưa lớn gây lũ, có thể gây ngập úng, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, khu mỏ và các khu đô thị. Thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các khu nuôi trồng thuỷ hải sản, đặc biệt khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Tỉnh còn yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác “bốn tại chỗ” để đối phó với diễn biến của cơn bão số 2.

Tỉnh Nam Định đã thông tin kịp thời diễn biến cơn bão số 2 cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu theo phương châm "Xanh nhà hơn già đồng"; chủ động củng cố bờ vùng, bờ bao, tiêu rút nước đệm theo quy trình để phòng chống úng cho lúa và hoa màu; chủ động chống úng ngập trong khu vực nội thành thành phố Nam Định; kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các tuyến đê biển; chỉ đạo các ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công có phương án đảm bảo an toàn về người, vật tư, phương tiện và công trình. Công ty điện lực Nam Định được yêu cầu kiểm tra hệ thống lưới điện, đảm bảo cấp đủ điện phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn và phục vụ sản xuất.

Để ứng phó kịp thời với cơn bão số 2, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức họp khẩn cấp triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, đê điều, chỉ đạo khẩn trương thu hoạch lúa; biện pháp phòng chống ngập úng; có thông báo yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp ở khu vực nông thôn tạo điều kiện cho công nhân nghỉ việc để giúp gia đình thu hoạch lúa.

Ngày 23/6, lãnh đạo thành phố chủ trì các đoàn công tác kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương trọng điểm: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Thủy Nguyên, An Dương. Lương thực, vật tư, phương tiện, lực lượng xung kích hộ đê để ứng phó với cơn bão số 2 đều đã sẵn sàng. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố liên tục thông báo tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, tin bão cho các địa phương, ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố; đôn đốc triển khai thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng đến 10h00 ngày 23/6/2011: Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 4.083 phương tiện/12.584 lao động đang hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng và 533 lồng bè /1.589 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện tất cả các tàu thuyền thủy sản nhận được thông tin về diễn biến của bão số 2 đang di chuyển về bến neo đậu.

Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương, ban ngành tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh khẩn trương bám sát các huyện, thành, thị và các ngành liên quan tập trung theo dõi diễn biến cơn bão để chủ động ứng phó, tránh bị động và hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

Theo đó, các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, rà soát các tuyến sông, các khu dân cư sống dọc sông Hông, sông Chảy và các con suối; nhắc nhở các đơn vị thi công các công trình vùng sâu, vùng ven sông suối khẩn trương tập kết vật liệu lên nơi an toàn. Lực lượng vũ trang cùng các huyện vùng cao Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai phối hợp chính quyền nắm dân, nhắc nhở đồng bào không ngủ lại qua đêm ở các lều lán trong rừng và ven suối, dưới các chân núi để tránh sạt lở đất. Các ngành chức năng kiểm tra các đập đầu mối thuỷ điện, thuỷ lợi, hạ thấp mực nước các hồ để đảm bảo an toàn khi mưa lớn xảy ra. Các địa phương, đơn vị chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, giống cây trồng, trang thiết bị phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”...

Đến hết ngày 23/6, tỉnh Lào Cai đã có trên 100 hộ di dời khỏi nơi nguy hiểm sạt lở đất và lũ óng lũ quét. Một số diện tích lúa chín sớm ven sông suối ở các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên và thành phố Lào Cai đã được thu hoạch. Hầu hết các hồ lớn đã được kiểm tra hiện trạng tiêu thoát nước. Hai đơn vị thi công kè sông Hồng và cầu Cốc Lếu đã chuyển sang làm việc trong tư thế ứng phó với lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục