Chủ động trong giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô

Qua rà soát thống kê của các xã, dự án đường Vành đai 4 sẽ liên quan đến 435 hộ dân; 3 trường học phải di dời; 425 ngôi mộ phải di chuyển, diện tích đất tái định cư cần quy hoạch 17,5ha.
Chủ động trong giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô ảnh 1(Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN)

Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đi qua địa phận huyện Mê Linh, Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 11,2km, ước tính tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng là 192,86 ha; trong đó, đất ở 8,69ha, đất nông nghiệp 179,52ha, đất trường học 2,1ha, đất khác 2,55ha.

Dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng 3.056,5 tỷ đồng.

Nhận định về quy mô và tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia; có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực mới mang tính chiến lược trong phát triển của Thủ đô và vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, đối với huyện Mê Linh, đường Vành đai 4 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội để huyện phấn đấu đạt tiêu chí quận giai đoạn 2025-2030 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, đường Vành đai 4 đi qua địa bàn 5 xã của huyện là Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm và Kim Hoa.

Cụ thể, tuyến đường Vành đai 4 đi qua xã Đại Thịnh có chiều dài khoảng 1,5km (qua khu dân cư thôn Nội Đồng), dự kiến giải phóng mặt bằng khoảng 1,5ha; được khớp nối với đoạn đường trục trung tâm đô thị Mê Linh đến ranh giới khu đô thị HUD Mê Linh-Đại Thịnh.

Văn Khê là xã có tuyến đường Vành đai 4 đi qua lớn nhất huyện với chiều dài 4,9km, đi qua khu dân cư thôn Khê Ngoại cũ, Trường tiểu học Văn Khê A, tuyến kênh 11a, một phần nghĩa trang thôn Khê Ngoại và một số trang trại chăn nuôi. Dự kiến đất giải phóng mặt bằng và thu hồi khoảng 30,5ha.

Còn tại xã Chu Phan, tuyến đường đi qua có chiều dài khoảng 400m, diện tích đất dự kiến phải thu hồi là 28 ha; trong đó, đất ở khoảng 3,5ha và Tân Châu là thôn có số hộ dân phải tái định cư nhiều nhất...

[Khởi công xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước 30/6/2023]

Qua rà soát thống kê của các xã, dự án đường Vành đai 4 sẽ liên quan đến 435 hộ dân, cá nhân; 3 trường học phải di dời; 425 ngôi mộ phải di chuyển... Theo đó, tổng số hộ cần giải quyết tái định cư là 435 hộ, diện tích đất tái định cư cần quy hoạch 17,5ha; trong đó, xã Văn Khê 7,5ha tại thôn Khê Ngoại; xã Đại Thịnh 6,5ha tại thôn Nội Đồng; xã Kim Hoa 3,5ha tại thôn Kim Tiền).

Để việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Mê Linh được triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch của thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cùng các phòng, ban chuyên môn đã trực tiếp làm việc với Đảng uỷ, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Trưởng đoàn thể của các xã và thôn có tuyến đường đi qua.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện đề nghị lãnh đạo 5 xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng các thôn cần hiểu rõ tầm quan trọng của dự án để thông tin đầy đủ, chính xác đến toàn thể người dân, nhất là các gia đình có đất bị thu hồi và liên quan đến tuyến đường như phương án giải phóng mặt bằng, đền bù đất, di chuyển mồ mả và lập khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất thổ cư.

Các thôn cần thống nhất về chủ trương thành lập khu tái định cư theo quy hoạch để huyện báo cáo thành phố. Đối với khu tái định cư, huyện đã khảo sát và chọn điểm phù hợp, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất với đầy đủ điện chiếu sáng, cây xanh, nước sạch, giao thông thông thoáng kết nối với các tuyến đường trung tâm nhằm đáp ứng mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho người dân.

Về việc di chuyển các ngôi mộ, huyện giao Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với các xã thống kê toàn bộ các ngôi mộ trong và ngoài nghĩa trang phải di dời để quy tập về khu nghĩa trang của thôn theo quy định.

Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh, các phòng, ban chuyên môn phải phối hợp với 5 xã tập trung quản lý đất đai tại những khu vực liên quan đến đường Vành đai 4 đi qua như đất bãi, đất nông nghiệp và đất thổ cư; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, mua bán, chia tách thửa... Đồng thời, quản lý chặt chẽ cây cối cũng như các công trình tại nhà dân và trên đất nông nghiệp thuộc diện tích phải thu hồi.

Cùng với đó, công an huyện chỉ đạo công an xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, thôn nắm tình hình dư luận nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương của huyện cũng như thành phố, Trung ương về tuyến đường Vành đai 4, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

"Mỗi cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất nằm trong vùng dự án cần phát huy vai trò, trách nhiệm công dân, chung tay với chính quyền thành phố và huyện, tạo điều kiện thuận lợi để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn đề nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục