Chủ nghĩa dân tộc kinh tế - rào cản lớn nhất đe dọa tăng trưởng

Sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc kinh tế do việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ đã tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Chủ nghĩa dân tộc kinh tế - rào cản lớn nhất đe dọa tăng trưởng ảnh 1Nông dân thu hoạch nho tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc kinh tế do việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nền chính trị dân túy đã tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Nhận định trên được công bố sau kết quả thăm dò của công ty kiểm toán KPMG đối với 1.300 tổng giám đốc điều hành các công ty lớn trên thế giới.

Nghiên cứu trên cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp Anh tỏ ra bi quan về chủ nghĩa dân tộc kinh tế hơn các đồng nghiệp khác trên thế giới. Theo đó, 75% các tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp của Anh được hỏi đã bày tỏ sự lo lắng về tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thông qua các biện pháp như áp thuế, hạn ngạch lên các mặt hàng nhập khẩu, trong khi chỉ có 50% tổng giám đốc các công ty các nước khác có cùng nhận xét như vậy.

Hầu hết các tổng giám đốc điều hành mà KPMG tiến hành khảo sát, gồm 150 doanh nghiệp hàng đầu của Anh và 1.150 lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới, nhận định rằng các yếu tố như đe dọa địa chính trị, những quy định và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tạo ra tăng trưởng chậm cho công ty của họ trong những năm tới. Giới lãnh đạo doanh nghiệp EU ngày càng trở nên bi quan hơn bất chấp một số tiến bộ đã đạt được trong tiến trình đàm phán Brexit.

Các nước viện lý do áp dụng những rào cản thương mại là nhằm bảo vệ thị trường việc làm trong nước, song giới lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng những biện pháp này sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất do giá thành các sản phẩm bán ra bị đội lên.

[Xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc được dự báo tăng 40%]

Ông Bill Michael, Chủ tịch của KPMG tại Anh, cho rằng nếu các cánh cửa thương mại thế giới tiếp tục đóng lại, sẽ có những tác động không thể tránh khỏi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc tiếp tục tạo dựng các rào cản thương mại đã gây ra mối quan ngại lớn đối với các lãnh đạo doanh nghiệp.

Những lời cảnh báo được đưa ra sau khi Mỹ và Trung Quốc có động thái nhằm giảm bớt nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, một viễn cảnh được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến việc phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo đó, Mỹ đã đồng ý tạm thời dừng lại việc áp mức thuế mới áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và hai bên đã nhất trí sẽ tiến hành những biện pháp có hiệu quả để cắt giảm mức độ nhập siêu hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu khác của công ty kế toán Deloitte đối với 1.652 các nhà quản lý tài chính trên khắp châu Âu, một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết công ty họ đang trải qua thời kỳ tài chính và kinh tế bất ổn định ở mức độ cao, trong khi giới doanh nghiệp tại Anh lại bi quan nhất trong cuộc điều tra.

Ngoài ra, các công ty của Anh có ý định đầu tư thất nhất trong số 20 nước châu Âu tham gia trả lời điều tra của nghiên cứu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục