Chủ nghĩa dân tộc vaccine có thể đe dọa mục tiêu miễn dịch cộng đồng

Giới nghiên cứu cảnh báo việc các nước giàu tích trữ vaccine COVID-19 sẽ cản trở các nỗ lực thực hiện mục tiêu tiêm phòng cho hơn 60% dân số thế giới và đạt miễn dịch cộng đồng.
Chủ nghĩa dân tộc vaccine có thể đe dọa mục tiêu miễn dịch cộng đồng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới nghiên cứu cảnh báo việc các nước giàu tích trữ vaccine COVID-19 sẽ cản trở các nỗ lực thực hiện mục tiêu tiêm phòng cho hơn 60% dân số thế giới và đạt miễn dịch cộng đồng.

Nội dung này được đề cập trong báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Launch and Scale Speedometer  liên kết với Trung tâm Đổi mới y tế toàn cầu của Đại học Duke (Mỹ) công bố ngày 25/3.

Theo báo cáo, những nước có thu nhập thấp và trung bình vẫn thiếu vaccine COVID-19 trong khi chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề phân phối vaccine gia tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Giám đốc trung tâm, ông Krishna Udayakumar cho rằng nhiều nước vẫn khó tiếp cận với vaccine COVID-19 trong khi các nước phát triển đã mua khoảng 4,6 tỷ liều vaccine.

[EU đẩy mạnh nghiên cứu về nguy cơ gây đông máu của vaccine AstraZeneca]

Trong đó, riêng Mỹ đã mua được 1,2 tỷ liều cho 330 triệu người dân nước này, cao hơn so với 1 tỷ liều vaccine mà cơ chế hỗ trợ phân phối vaccine COVAX đặt mua để cung cấp cho vài tỷ người tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo phân tích cũng chỉ ra rằng khoảng cách tiếp cận vaccine giữa các nước ngày càng lớn khi các quốc gia giàu có kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng và sản xuất vaccine, do đó làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn đại dịch.

Theo đánh giá của trung tâm trên, đến cuối năm nay, thế giới sẽ có 12 tỷ liều vaccine thuộc nhiều loại khác nhau, đủ để chủng ngừa cho 70% dân số toàn cầu, trong khi các nhà máy tăng côn suất.

Bà Andrea Taylor, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu vaccine COVID-19 thuộc Chương trình Launch and Scale Speedometer, cho biết: “Ngoài thách thức từ chủ nghĩa dân tộc vaccine, báo cáo của chúng tôi cũng nêu bật những rào cản lớn vẫn là vấn đề sản xuất và cung cấp.”

Theo các chuyên gia, hơn 400 triệu vaccine đã được phân phối đến hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Dự báo nhu cầu về vaccine có thể vượt nguồn cung trong những tháng tới và giải pháp chính là các nước phát triển chuyển giao công nghệ, chia sẻ các bằng sáng chế để tăng cường sản xuất tại những nước có thu nhập thấp và trung bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục