Phát biểu tối 24/10 tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới tổ chức ở Berlin (Đức), các nhà lãnh đạo thế giới đã đề cập việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, cảnh báo chủ nghĩa dân tộc về vaccine sẽ khiến thế giới gặp rủi ro.
Phát biểu với hội nghị qua video, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi phân phối hợp lý hơn vaccine ngừa COVID-19.
Ông cảnh báo rằng chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Trong khi đó, phát biểu trực tiếp tại hội nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các chính phủ và các nhà sản xuất cần cung cấp nhiều vaccine hơn nữa, đặc biệt là cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, và đây là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch COVID-19.
Theo người đứng đầu WHO, mục tiêu của tổ chức y tế đa phương lớn nhất thế giới này là có ít nhất 40% người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng vào cuối năm nay, đồng thời cho rằng mục tiêu này là "có thể đạt được."
Ông Ghebreyesus cảm ơn Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai thế giới (2,2 tỷ euro) cho dự án COVAX, song cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vẫn có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa.
[LHQ kêu gọi G20 đóng góp 8 tỷ USD cho chương trình phân phối vaccine]
Cũng theo ông, các quốc gia đã đạt hạn ngạch tiêm chủng ít nhất 40% (gồm tất cả các nước nhóm G20) nên ưu tiên cho chương trình tiêm chủng COVAX của Liên hợp quốc hoặc sáng kiến mua vaccine của châu Phi (AVAT).
Ông Ghebreyesus cảnh báo không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới. Theo ông, những tổn thất mà COVID-19 đã gây ra cho thấy rõ rằng thế giới cần một cấu trúc y tế toàn cầu mạnh mẽ hơn và cam kết chính trị ở mức cao. Ông kêu gọi xây dựng một hiệp ước hoặc một thỏa thuận toàn cầu để ngăn chặn và ứng phó với đại dịch.
Từ trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng lên tiếng ủng hộ hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong nỗ lực chống đại dịch, cho rằng các mối đe dọa sức khỏe không biên giới phải được chống lại bằng cách hợp tác, ứng phó xuyên biên giới.
Bà kêu gọi xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu về sẵn sàng ứng phó trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Diễn ra tại Berlin và qua hình thức trực tuyến, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới kéo dài trong 3 ngày (từ 24-26/10) với sự tham gia khoảng 6.000 chuyên gia từ 100 quốc gia và khu vực.
Chủ đề chính của diễn đàn là chiến lược toàn cầu ứng phó và ngăn chặn đại dịch; vai trò của Đức, châu Âu và WHO trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu và phân bổ công bằng vaccine cũng như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.
Theo số liệu của tổ chức "Our World in Data," cho tới nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trung bình toàn thế giới đạt 37,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước ở từng châu lục.
Trong khi những nước giàu có đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí nhiều nước phương Tây đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn còn rất thấp với chỉ một con số, đặc biệt ở châu Phi. Tại Đức tới nay đã có 66,2% dân số được tiêm đầy đủ và 69,1% được tiêm ít nhất một mũi./.