Chủ tịch Cuba đề cao chống COVID-19 và lạc quan về triển vọng kinh tế

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel khẳng định không điều gì có thể khiến đất nước Cuba xa rời "nhiệm vụ phức tạp nhất" trong nhiều thập niên qua nhằm cài cách tiền tệ, nhanh chóng vực dậy nền kinh tế.
Chủ tịch Cuba đề cao chống COVID-19 và lạc quan về triển vọng kinh tế ảnh 1Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu trong phiên họp Quốc hội tại La Habana. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại kỳ họp quốc hội cuối năm bắt đầu ngày 17/12, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đề cao nỗ lực hiệu quả chống đại dịch COVID-19 của đảo quốc Caribe bất chấp những điều kiện kinh tế bất lợi, đồng thời dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ đạt từ 6-7% trong năm 2021.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Diaz-Canel nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế của Cuba đã sụt giảm 11% trong năm nay do đại dịch COVID-19 cùng việc Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, chính phủ đã đập tan những âm mưu của các thế lực thù địch, hòng lợi dụng kinh tế suy yếu để chống phá chế độ và gây tổn hại tới phong trào cánh tả của Cuba.

Ông khẳng định không điều gì có thể khiến đất nước Cuba xa rời "nhiệm vụ phức tạp nhất" trong nhiều thập niên qua, đó là chương trình cải cách tiền tệ sẽ được thực thi từ tháng 1/2021 nhằm nhanh chóng vực dậy nền kinh tế.

Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil nhận định nền kinh tế đất nước sẽ từng bước phục hồi trong năm tới, chủ yếu dựa vào các biện pháp cải cách và lượt khách du lịch ước tính sẽ tăng 50% lên mức 2,2 triệu lượt vào năm 2021. Trước đó, ông cho biết kim ngạch nhập khẩu của Cuba đã giảm 30% so với năm ngoái.

Nhiều tháng qua, khu vực Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Trong bức tranh màu xám đấy, cùng việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Cuba đang nỗ lực triển khai nhiều chính sách mới nhằm vực dậy nền kinh tế đang trong thời kỳ hết sức khó khăn do lệnh cấm vận kinh tế ngày càng hà khắc của Mỹ.

[Chủ tịch Cuba công bố thời điểm bắt đầu tiến trình cải cách tiền tệ]

Chính phủ đảo quốc Caribe đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài, đưa nền kinh tế Cuba hòa nhập vào thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa.

Cuba hiện phải nhập khẩu máy móc, nhiên liệu, công nghệ và hơn 50% lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước. Các mặt hàng và dịch vụ xuất khẩu chính của Cuba là dịch vụ y tế, sản phẩm dược sinh học, niken, rượu rum và xì gà. Du lịch cũng là thế mạnh của Cuba.

Từ ngày 1/1/2021, Cuba sẽ bắt đầu quá trình cải cách tiền tệ, thống nhất tiền tệ và tỷ giá hối đoái, song hành với nhiều biện pháp điều tiết về giá cả, bao cấp và lương thưởng khác. Trong thực tế, điều này đồng nghĩa với việc đồng “peso chuyển đổi” hay CUC sẽ bị loại bỏ, đồng thời ấn định một tỷ giá hối đoái chính thức 24 peso đổi 1 USD.

Chủ tịch Cuba đề cao chống COVID-19 và lạc quan về triển vọng kinh tế ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi mua sắm trên một tuyến phố ở La Habana, Cuba ngày 12/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Diaz-Canel nhấn mạnh mặc dù việc thống nhất tiền tệ và hối đoái “không phải là giải pháp kỳ diệu” cho mọi vấn đề, nhưng bước đi này sẽ tăng cường lợi ích lao động, tăng năng suất và tạo thuận lợi cho lĩnh vực kinh doanh.

Người đứng đầu Nhà nước Cuba cũng tuyên bố trong tiến trình cải cách tiền tệ, sẽ “không có người dân nào bị bỏ rơi” vì chính phủ sẽ “không áp dụng liệu pháp sốc.” Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ không cho phép và sẽ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với vấn nạn đầu cơ.

Kể từ tháng 10 vừa qua, chính quyền Cuba đã thông báo về kế hoạch thống nhất tiền tệ, kế hoạch nằm trong Chiến lược Kinh tế-Xã hội của quốc gia vùng Caribe này, bao gồm việc xoá bỏ hệ thống tiền tệ kép và hối đoái, xóa bỏ một phần các khoản trợ cấp quá mức và không phù hợp, cũng như thay đổi trong thu nhập của người dân.

Từ năm 1994 tới nay, Cuba đã lưu hành song song đồng peso Cuba và đồng peso chuyển đổi. Hệ thống tiền tệ kép này giúp tạo thuận lợi cho những người hoạt động trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và ngoại thương, nhưng lại gây ra khó khăn cho những người dân phải nhận lương bằng đồng peso.

Các chuyên gia kinh tế nhận định cải cách tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến người dân Cuba trong thời gian ngắn, song sẽ đóng vai trò quan trọng trong dài hạn bởi việc tồn tại nhiều tỷ giá khác nhau sẽ khiến nền kinh tế khó vận hành thực sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục