Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016 của ngành kiểm sát nhân dân, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tham mưu, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là trách nhiệm chính trị lớn lao của ngành kiểm sát nhân dân trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch nước đánh giá cao ngành kiểm sát đã hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó trong năm 2015 - năm đầu tiên triển khai thực hiện các quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân năm 2014, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh.
Chủ tịch nước khẳng định cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, tích cực đóng góp xây dựng các dự án luật quan trọng khác trong lĩnh vực tư pháp, hình thành hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân gồm 4 cấp, ngành kiểm sát đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Vai trò công tố được đề cao, trách nhiệm công tố được tăng cường; tiến độ và chất lượng giải quyết án được nâng lên; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa có tiến bộ. Ngành kiểm sát nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Tòa án trong việc đẩy nhanh tiến độ, giải quyết nhiều vụ án trọng điểm về tham nhũng. Nhiều giải pháp để chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật được ngành kiểm sát thực hiện.
Chủ tịch nước cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, ngành kiểm sát nhân dân còn một số hạn chế, thiếu sót: chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do do hành vi của bị can chưa đủ cấu thành tội phạm; việc truy tố còn có thiếu sót, dẫn đến phải hủy án để điều tra lại...
Chủ tịch nước yêu cầu ngành kiểm sát nhân dân thẳng thắn phân tích kỹ những hạn chế, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là những chủ trương, đường lối về lĩnh vực tư pháp; đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội tham nhũng; không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; khắc phục tình trạng để án tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết.
Chủ tịch nước nêu rõ ngành kiểm sát cũng cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân 2014; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ, làm tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành kiểm sát nhân dân; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tại hội nghị, đại diện Viện Kiểm sát đến từ các tỉnh thành trong cả nước và đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật đã thảo luận trực tuyến về các hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, xác định một số công tác trọng tâm trong năm 2016 của ngành.
Năm 2015, qua các hoạt động tích cực đôn đốc kiểm tra của ngành kiểm sát, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 92,4%; tiến độ giải quyết án trong giai đoạn điều tra đạt 83%; tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 98,5%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, tội danh đạt 99%; số kháng nghị được Tòa án chấp nhận đạt 79%.../.