Tối 26/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992-1/4/2017).
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Dự lễ kỷ niệm có đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đại biểu lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đại biểu chức sắc tôn giáo, các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Với diện tích gần 1.400 km2, Ninh Bình có địa hình tự nhiên phong phú, được phân thành 3 vùng rõ rệt: đồi núi bán sơn địa, vùng đồng chiêm trũng và vùng đồng bằng ven biển. Ngày nay, tỉnh Ninh Bình bao gồm 2 thành phố và 6 huyện, dân số trên 950.000 người.
Những yếu tố đa dạng về địa hình thiên nhiên của Ninh Bình đã cấu thành một vùng đất hiểm trở về quân sự - tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Chính vì thế, Ninh Bình là vùng đất mang nhiều dấu tích lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước từ thời Hai Bà Trưng. Nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 xứ quân, thu giang sơn về một mối (năm 968), lập vương triều phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở đất Hoa Lư, ban hành nhiều chính sách cách tân để xây dựng đất nước. Về sau này, Ninh Bình còn ghi danh trong nhiều chiến thắng vẻ vang của dân tộc trước những cuộc xâm lược của các nước lớn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, nhất là từ khi tái lập tỉnh, Ninh Bình có những bước chuyển mình mạnh mẽ cả về chất và lượng. Kinh tế có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,59% trong 25 năm qua. Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) gấp 52 lần so với năm 1992 (tính theo giá hiện hành); thu ngân sách, đạt 7.264 tỷ đồng - cao nhất từ trước tới nay, gấp 181 lần so với năm 1992; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gấp trên 400 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
Du lịch có bước phát triển đột phá, với quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2016, Ninh Bình đã đón 6,5 triệu lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 8.300 tỷ đồng; công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 60/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng Hoa Lư đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và cũng là của cả nước theo tiêu chí mới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu, kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 25 năm qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, mặc dù xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song sau 25 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, được Trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng của toàn quốc. Đáng phấn khởi là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp song các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả khá toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng; quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh nhà.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đạt được đã từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng đất thuần nông nghèo khó, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Đây là niềm tin, động lực to lớn, là cơ sở vững chắc để Ninh Bình tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Định hướng phát triển cho Ninh Bình trong tương lai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng, nguồn lực văn hóa đặc sắc của quê hương, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trên tinh thần này, Ninh Bình cần tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, Ninh Bình phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có hàm lượng trí tuệ, giá trị gia tăng cao... Phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch, bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Ninh Bình cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch hướng về cội nguồn, sinh thái-nghỉ dưỡng gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử-văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chú trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước. Khuyến khích, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất, hình thành sản xuất lớn trong nông nghiệp, khắc phục dần sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay.
Cùng với phát triển kinh tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý Ninh Bình cần chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; xây dựng, triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, chống tái nghèo. Phát huy đoàn kết lương giáo, định hướng, động viên các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cùng với đó, Ninh Bình cần chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự. Phát huy các mô hình, cách làm hiệu quả của địa phương về bảo đảm an ninh, trật tự nhằm chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp ngay từ đầu và tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh vấn đề có ý nghĩa then chốt và quyết định là tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh nhà thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ninh Bình cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy thành tựu, kết quả đạt được sau 25 năm tái lập, tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.