Chủ tịch Trung Quốc nêu đề xuất đối phó với đại dịch COVID-19

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong nỗ lực ứng phó toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc nêu đề xuất đối phó với đại dịch COVID-19 ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu. (Nguồn: Xinhua)

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 ngày 22/9 diễn ra bằng hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu đề xuất đối với đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước tăng cường đoàn kết và cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong nỗ lực ứng phó toàn cầu.

Theo ông, dịch bệnh đã nhắc nhớ rằng nhân loại đang sống trong một ngôi làng toàn cầu liên kết với nhau, không nước nào có thể hưởng lợi từ khó khăn của nước khác.

Dịch bệnh cũng nhắc nhớ rằng toàn cầu hóa kinh tế là thực tế không thể tranh cãi và là một xu hướng lịch sử, vì vậy các nước cần nói "Không" với chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ và cùng nỗ lực để đảm bảo sự ổn định và suôn sẻ của các chuỗi dây chuyền cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh cần khởi động một cuộc cách mạng xanh và nhanh chóng tạo ra một lộ trình phát triển và sống xanh, bảo vệ môi trường và biến Trái Đất trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người.

Ông lưu ý tới cải cách hệ thống quản lý toàn cầu để thích nghi với các diễn biến nhanh chóng của chính trị và kinh tế toàn cầu, đáp ứng các thách thức toàn cầu và nhấn mạnh xu hướng hòa bình, phát triển và hợp tác đôi bên cùng thắng.

[Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cao vai trò của Liên hợp quốc]

Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về dữ liệu lớn vì các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Trung tâm Tri thức và đổi mới địa không gian toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm tạo điều kiện thực thi Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; cung cấp 50 triệu USD cho Quỹ Tín nhiệm hợp tác Nam-Nam giữa Trung Quốc với Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO); cung cấp 50 triệu USD cho Kế hoạch Ứng phó nhân đạo toàn cầu của Liên hợp quốc chống COVID-19.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cảnh báo mối nguy hiểm của "sự va chạm giữa các nền văn minh", đồng thời kêu gọi nâng cao các giá trị chung của nhân loại.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi đối thoại "chân thành" nhằm giải quyết tranh cãi ngày càng lớn với Hy Lạp liên quan đến các hoạt động tìm kiếm năng lượng ở Đông Địa Trung Hải.

Ông cho biết Ankara "ưu tiên giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế và không thiên vị", nhưng cũng sẽ không chấp nhận mọi sự áp đặt.

Tổng thống Erdogan cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với các quyền của người Palestine, nhấn mạnh rằng: "Sự tham gia của một số quốc gia trong khu vực vào (xung đột Israel-Palestine) chỉ đồng nghĩa với việc giúp Israel xói mòn các giới hạn quốc tế căn bản."

Theo ông Erdogan, "xung đột này chỉ có thể giải quyết bằng cách thành lập một nhà nước Palestine độc lập, chủ quyền và song song tồn tại dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô."

Về phần mình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro khẳng định nước ông là mục tiêu của một chiến dịch quốc tế "tàn bạo" và "mờ ám" nhằm làm giảm uy tín.

Trong bài phát biểu được ghi hình trước gửi tới phiên họp, ông Bolsonaro cho biết: "Chúng tôi là nạn nhân của một chiến dịch tin giả tàn bạo nhất về rừng Amazon và các vùng đầm lầy ở Brazil. Rừng Amazon ở Brazil nổi tiếng về sự đa dạng. Đó là lý do giải thích cho sự ủng hộ mà các thể chế quốc tế dành cho chương trình này vì lợi ích mờ ám của họ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục