Chưa có sự đồng lòng về cách tiếp cận trong chia sẻ lợi ích từ rừng

Đại diện Dự án quản trị đất đai sông Mekong cho biết, hiện vẫn chưa có sự đồng lòng về cách tiếp cận trong chia sẻ lợi ích từ rừng, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chưa có sự đồng lòng về cách tiếp cận trong chia sẻ lợi ích từ rừng ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Để bảo vệ rừng cũng như tạo sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng, chia sẻ lợi ích (sử dụng bền vững tài nguyên) là giải pháp tối ưu nhất nhằm tạo ngân sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự đồng lòng về cách tiếp cận trong chia sẻ lợi ích từ rừng, khiến công tác quản lý và bảo vệ rừng tại nhiều nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thông tin trên vừa được đại diện Dự án quản trị đất đai sông Mekong đưa ra tại Hội thảo “Chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng dân cư địa phương-thách thức và giải pháp” do Hội chủ rừng Việt Nam phối hợp Trường Đại học Lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa, tổ chức ngày 30/10, tại Hà Nội.

Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy chia sẻ lợi ích phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, Nhà nước chia sẻ quyền hạn, lợi ích; chia sẻ là quá trình hai bên cùng hợp tác, phát triển, sự minh bạch có sự tham gia của người dân.

[Đột kích sào huyệt phá rừng được coi là 'an toàn nhất Tây Nguyên']

Nhìn nhận từ góc độ cơ sở, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho biết, bên cạnh những kết quả mà việc chia sẻ lợi ích từ rừng mang lại, thì việc chia sẻ lợi ích tại Vườn vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký đất đai, khai thác lâm sản ngoài gỗ, tính tự quản của cộng đồng chưa cao, năng lực kiểm soát đầu ra hạn chế, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao…

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị có tham gia vào dự án quản lý và bảo vệ rừng bền vững từ năm 2012 và hiện đã giao khoán hơn 8.000 ha rừng cho cộng đồng, đồng thời tiến hành trồng hơn 1.300 ha rừng theo hình thức liên kết và tuyển dụng khoảng 20/38 công nhân địa phương, đồng bào dân tộc bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận nạn phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy vẫn gia tăng trong khi nguồn vốn cho đầu tư rừng hạn chế.

Từ thực tế nêu trên, ông Chung cho rằng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chỉ có một giải pháp duy nhất là dựa vào sức mạnh của toàn dân thông qua đồng quản lý rừng.

Theo thống kê, trong số 5,5 triệu hộ dân sinh sống cạnh rừng và dựa vào rừng hiện nay, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo nên tình trạng xâm hại rừng, lấn rừng rất phổ biến.

Ngoài việc thảo luận về những khó khăn trong công tác giữ rừng và chia sẻ lợi ích, các đại biểu cũng trao đổi về kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam cùng các vấn đề liên quan đến mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo tồn vọoc ở Quảng Bình và giải pháp, kiến nghị về cơ chế chia sẻ lợi ích./.

Dự án Quản trị đất đai khu vực sông Mêkông (Dự án MRLG) do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức cung cấp tài chính, ủy thác cho Liên danh tư vấn giữa Công ty LEI của Úc và Tổ chức GRET của Pháp (có giấy phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014-2019) quản lý và tổ chức thực hiện với mục đích hỗ trợ các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân tại bốn nước: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myarnma trong công tác quản trị đất đai.

Dự án bắt đầu triển khai hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014, giai đoạn I của dự án MRLG sẽ kết thúc vào tháng 12/2018, và dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn II (2018-2020).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục