Chuẩn bị diễn ra Hội nghị ANMA 4 tại Thủ đô Hà Nội

Đại diện 11 thành viên của Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á sẽ có mặt tại Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng.
Trong tháng Chín này, tại Thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị thường niên của Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA 4) lần thứ 4, do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đăng cai tổ chức.

Các tham luận tại Hội nghị ANMA 4 sẽ xoay quanh chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng và di sản văn hóa theo chủ đề “Hòa bình-Hợp tác-Phát triển,”

Ban tổ chức đề xuất ba lĩnh vực chuyên môn bảo tàng có tính chất gợi mở, chủ yếu khuyến khích các quốc gia thành viên chia sẻ những bài học kinh nghiệm tốt hoặc thế mạnh của bảo tàng mình với các bảo tàng các nước, qua đó nâng cao hiểu biết lẫn nhau và khơi dậy niềm tự hào của mỗi quốc gia.

ANMA 4 là dịp khích lệ niềm tự hào của 11 thành viên ANMA về di sản văn hóa của quốc gia mình, khuyến khích các thành viên chia sẻ và học hỏi lẫn nhau; qua đó thể hiện sự tôn trọng, nâng cao hiểu biết giữa các quốc gia, thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết và hòa bình trong khu vực.

Đây cũng là cơ hội góp phần quảng bá và khẳng định vị thế của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam với các bảo tàng trong nước và trong khu vực.

Là nơi lưu giữ và phát huy những tinh hoa di sản văn hóa của quốc gia, hơn bao giờ hết, các bảo tàng quốc gia ở mỗi nước đều giữ vai trò vô cùng quan trọng trong một xã hội năng động. Ngoài vai trò phản biện xã hội và chuẩn bị hành trang cho tương lai thì tiến bộ, hiện đại và phát triển là những mục tiêu chính mà các bảo tàng hiện đại đề ra trong sứ mệnh và chính sách của mình.

Nhiều bảo tàng quốc gia đã có lịch sử lâu đời, song bên cạnh đó còn có những bảo tàng quốc gia mới được thành lập và đang trên đường tìm hướng phát triển. Để có thể tự tin hướng tới tương lai, các bảo tàng ngày càng tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những bảo tàng bạn, đặc biệt là từ những bài học tốt để rút kinh nghiệm cho mình.

Các bảo tàng quốc gia nói chung và các bảo tàng quốc gia châu Á nói riêng có rất nhiều điểm chung về sứ mệnh, tầm nhìn nhưng mỗi bảo tàng lại có những ưu tiên và thế mạnh khác nhau về sưu tập hiện vật và các lĩnh vực hoạt động. Sự liên kết có thể giúp các bảo tàng học hỏi và chia sẻ lẫn nhau về những bài học tốt trong quá trình xây dựng và phát triển.

Trong bối cảnh khu vực châu Á đang có nhiều biến động, hoạt động của các bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng quốc gia có thể đóng góp một phần quan trọng vào việc nâng cao hiểu biết giữa các quốc gia, thúc đẩy hòa bình, giữ vững ổn định và hợp tác trong khu vực.

Nhân dịp Hội nghị ANMA 4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức một trưng bày đặc biệt giới thiệu một số nét chấm phá về con người, lịch sử và văn hóa của các quốc gia thành viên ANMA.

Hiện vật trưng bày chủ yếu được lựa chọn từ các bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và mượn thêm một số hiện vật của các bảo tàng khác trong nước.

Bên cạnh đó, tư liệu và hình ảnh do các bảo tàng quốc gia thành viên của ANMA cung cấp cũng sẽ được giới thiệu đến công chúng./.


Công Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục