Chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất

Mở cửa phiên 5/9, chứng khoán châu Á biến động không đồng nhất, chủ yếu do hoạt động tranh thủ bán chốt lời của nhà đầu tư.
Không tiếp nối được màu xanh phiên trước trên các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu, chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 5/9 đã biến động không đồng nhất, chủ yếu do hoạt động tranh thủ bán chốt lời của nhà đầu tư, cũng những lo ngại dai dẳng về Syria, bất chấp các thông tin lạc quan từ hai nền kinh tế lớn là Mỹ và châu Âu.

Mặc dù tâm lý lạc quan đang trở lại với các thị trường, song giới đầu tư vẫn khá thận trọng trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm bắt đầu giảm dần quy mô của gói nới lỏng định lượng (QE3) trước những tín hiệu ngày càng rõ là nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trở lại đường ray tăng trưởng ổn định.

Trong ba chỉ số chính của khu vực, Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hong Kong đều tăng lần lượt là 0,10% và 0,95%; trong khi Shanghai Composite của Trung Quốc lùi 0,11%.

Đêm trước (4/9) tại Mỹ, sự tăng trưởng vững chắc của khu vực chế tạo thể hiện qua doanh số bán xe ôtô tăng mạnh ở mức hai con số trong tháng Tám vừa qua tại thị trường này đã đẩy Phố Wall đi lên mạnh mẽ.

Ngoài doanh số bán xe tăng mạnh của các hãng chế tạo ôtô hàng đầu như GM, Toyota, Ford và Chrysler, nhà đầu tư còn hào hứng với những kết quả điều tra tích cực mới nhất về nền kinh tế Mỹ của Fed, qua đó cho biết chi tiêu tiêu dùng và hoạt động chế tạo đã tăng tại hầu hết 12 khu vực quan trọng nhất ở Mỹ, trong khi thị trường việc làm tăng trưởng ổn định và vẫn đang tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, đà tăng phần nào bị kiềm chế bởi những lo ngại rằng phương Tây và Mỹ có thể tiến hành các biện pháp trừng phạt quân sự đối với Syria, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận được sự ủng hộ từ những nhà lãnh đạo chủ chốt của Hạ viện Mỹ về kế hoạch tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này, đồng thời tái nhắc lại sự cần thiết phải có một hành động trên toàn cầu đối với vấn đề Syria. Ông Obama cũng tỏ ý hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội Mỹ tại cuộc bỏ phiếu trong tuần tới đối với kế hoạch tấn công Syria.

Ngoài ra, sức tăng còn bị kìm lại một phần nữa do nhà đầu tư lo ngại rằng với ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã có thể tự đứng vững mà không cần đến các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ nữa, thì càng có nhiều khả năng Fed sẽ giảm dần quy mô của QE3 vào ngay tháng Chín này.

Trên thị trường toàn cầu cũng đang xuất hiện dần những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn bắt đầu khởi sắc, trong đó hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc và châu Âu đều tăng trưởng. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy trong quý hai vừa qua, Khu vực Eurozone đã thoát ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài 18 tháng qua và đang dần để lại sau lưng cuộc khủng hoảng nợ kéo dài của khối này.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới đây đã đưa ra dự báo lần thứ hai cho hay khối 17 quốc gia thành viên của Eurozone có thể sẽ đạt tăng trưởng 0,3% trong quý hai, sau khi suy giảm 0,2% trong quý một năm nay.

Đóng cửa phiên 4/9, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều ghi điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 96,91 điểm lên 14.930,87 điểm; S&P 500 tăng 13,31 điểm lên 1.653,08 điểm, và Nasdaq Composite thêm 36,43 điểm lên 3.649,04 điểm.

Tương tự, cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực cũng phần lớn đi lên và đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng điểm, với FTSE của Vương quốc Anh tăng 0,10% lên 6.430,06 điểm; DAX 30 của Đức đạt 8.195,92 điểm và CAC 40 của Pháp  lên 3.980,42 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục