Chung một con tim hướng về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông

Có thể nói, từ bao đời nay biển Đông cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt.
Chung một con tim hướng về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông ảnh 1Kiều bào ở Hàn Quốc tặng quà cho các bộ, chiến sỹ trên đảo Sơn Ca. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Có thể nói, từ bao đời nay biển Đông cùng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt.

Đặc biệt, sau sự kiện Hải Dương 981 tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam lại sục sôi, kết thành một làn sóng mạnh mẽ, sôi nổi, rộng khắp các tầng lớp nhân dân, đồng bào trong và ngoài nước hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Trong những năm gần đây, các địa phương trên toàn quốc, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo. Ngoài các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biên giới, biển, đảo Việt Nam cho hơn 300 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên lịch sử và địa lý cấp trung học phổ thông của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam; tổ chức triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam" trên phạm vi toàn quốc; phát động sáng tác về biển - đảo; quyên góp, ủng hộ lực lượng đang thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chăm lo, động viên ngư dân bám biển.

Cộng đồng người Việt tại nước ngoài cũng có rất nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa tham gia trực tiếp và gián tiếp vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Theo ông Lương Thanh Nghị - Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt tại nước ngoài, từ năm 2012, Ủy ban nhà nước về người Việt ở nước ngoài đã tổ chức 7 chuyến đi thăm và động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 cho gần 400 lượt kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, đây cũng là cơ hội để bà con có thể hiểu hơn và chia sẻ những khó khăn của quân và dân trên đảo Trường Sa, đồng thời mang hơi ấm từ năm châu bốn bể về với Trường Sa.

Chung một con tim hướng về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông ảnh 2(Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Ngoài quyên góp nhiều tỷ đồng mua xuồng, xây nhà văn hóa đa năng, trao tặng dụng cụ thể thao, các tổ chức và cá nhân người Việt tại nước ngoài còn triển khai nhiều dự án thiết thực giúp cải thiện đời sống cán bộ, chiến sỹ Trường Sa như lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời, máy lọc nước biển thành nước ngọt sinh hoạt.

Sôi nổi nhất là các hoạt động hướng về hướng về Hoàng Sa, Trường Sa của thanh niên Việt Nam. Các hoạt động như tặng cờ Tổ Quốc, xếp hình Việt Nam trên quê hương Hải đội Hoàng Sa, xây tặng trường mầm non tiếp sức cho con em ngư dân bám biển của giới trẻ giúp tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, khơi dậy tình cảm và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước đồng thời, động viên, cổ vũ quân và dân làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Luật sư Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2012, khi dư luận nói về vấn đề Biển Đông, về sự kiện Gạc Ma năm 1988 còn khá dè dặt, thì có một nhóm bạn trẻ đã tổ chức một buổi cho các cựu chiến binh của Trường Sa gặp mặt nhau tại Đà Nẵng.

Mặt khác, gần đây cũng có một nhóm trẻ đang có những ý tưởng ghi chép lại những trao đổi, chia sẻ của những người đã trực tiếp tham gia vào các công tác trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, rất nhiều cường vị khác nhau. Việc tích lũy, nghiên cứu và gìn giữ tài liệu là một công việc hết sức quan trọng, góp phần truyền đạt cho các thế hệ kế tiếp.

Tuy diễn ra lặng lẽ và âm thầm hơn, nhưng các hoạt động đóng góp của giới học giả, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyển biển đảo Tổ Quốc trên mặt trận học thuật và pháp lý.

Việc giao lưu, trao đổi thường xuyên giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế giúp các bên hiểu được thực trạng, bản chất vấn đề và đề xuất các sáng kiến, ý tưởng để quản lý và thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Đặc biệt, ý kiến của học giả dựa trên nghiên cứu khoa học khách quan giúp đấu tranh chống lại các luận điệu ngụy biện, tuyên truyền và thậm chí “xuyên tạc sự thật,” giúp đề xuất các biện pháp quá độ và lâu dài trên các khía cạnh khác nhau của vấn đề Biển Đông, từ giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đến hợp tác bảo vệ môi trường, hợp tác nghề cá đến tránh va chạm trên biển, xây dựng lòng tin, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải.

Âm thầm và lặng lẽ hơn, song cũng trực tiếp nhất, lâu dài nhất đó chính là sự đóng góp của ngư dân - những cột mốc chủ quyền sống từ hàng nghìn năm nay trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự có mặt của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển xa bờ góp phần xác lập, duy trì và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ đất mũi Cà Mau đến ngư trường Vũng Tàu hay quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hàng triệu ngư dân vẫn ngày đêm bám biển trên các ngư trường truyền thống của cha ông mình.

Mặt khác, lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng Việt Nam vẫn đang hàng ngày hàng giờ sát cánh cùng ngư dân để khẳng định sự hiện diện của quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.

Trên mỗi con tàu cá của ngư dân khi hoạt động trên vùng biển chủ quyền biển đảo Việt Nam đều được gắn cờ đỏ sao vàng. Mỗi chiếc tàu của ngư dân khai thác hải sản như một cột mốc chủ quyền trên biển của Việt Nam./.

(Còn tiếp)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục